Cuối năm, vào cuộc chặn tội phạm
Báo cáo trước Quốc hội thẩm tra về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, năm 2023, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 61,52%; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 67,85%. Về cuối năm, loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng.
Theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tình hình tội phạm diễn ra phức tạp trên mạng viễn thông, mạng internet với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động tín dụng đen. Bên cạnh đó là tình trạng lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, công ty luật dưới hình thức mua bán nợ để cưỡng đoạt tài sản với các thủ đoạn đe dọa, khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại gây hoang mang trong dư luận.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Nga, kết quả phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Hoạt động tín dụng đen từ lâu đã gây bức xúc xã hội, đặc biệt càng về cuối năm, chuẩn bị Tết, nhu cầu tài chính trong dân tăng mạnh từ đó hoạt động cho vay nặng lãi càng bùng phát. Quy định của pháp luật hiện hành trong giao dịch dân sự lãi suất cho vay không quá 20%/năm, nhưng nhiều nhóm tín dụng đen buộc người vay phải trả lãi suất cắt cổ có khi tới 700%/năm, hoặc hơn. Do cần tiền để giải quyết việc trước mắt mà sau đó không ít người đã phải bán đất, bán nhà lấy tiền trả cho tín dụng đen để “đổi lấy tự do”.
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, thời gian gần đây gia tăng các băng nhóm tội phạm công nghệ cao. Chúng tạo lập các công ty và thuê những bộ phận làm việc độc lập với nhau, từ đó quảng cáo thu hút người vay; giải ngân thông qua ví điện tử hay trung gian. Khoản vay ban đầu thường nhỏ nên người đi vay không thể hình dung được số tiền phải trả khi chúng cộng thêm rất nhiều loại phí.
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự cũng đánh giá tình hình tội phạm tín dụng đen diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm do nhu cầu tài chính tăng cao. Trong khi đó, một khảo sát do Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, hơn 75% người lao động thu nhập không đủ chi tiêu cơ bản. Họ chính là đối tượng rất dễ sa vào bẫy tín dụng đen.
Còn về vấn đề lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản, thực tế cho thấy việc lấy lại được tiền là rất khó. Đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đánh vào tâm lý của những người nhẹ dạ cả tin. Việc bị lừa chuyển tiền qua tài khoản thường diễn ra dưới các hình thức: Một là, bán hàng, chào mời mua hàng trực tuyến rồi yêu cầu người mua chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng trước nhưng sau khi nhận được tiền thì bên bán không giao hàng. Hai là, đối tượng đóng vai là bên dịch vụ chuyển hàng hóa, quà tặng của người thân, bạn bè của nạn nhân từ nước ngoài, yêu cầu nạn nhân thanh toán phí dịch vụ hoặc yêu cầu nạn nhân nộp phạt cho cơ quan hải quan qua một tài khoản cá nhân mà thực tế không có việc chuyển hàng hóa hay quà tặng nào cả. Ba là, đối tượng lừa đảo liên lạc qua các mạng xã hội, tin nhắn, điện thoại…thông báo cho nạn nhân trúng thưởng một giải thưởng nào đó và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để hoàn tất hồ sơ nhận thưởng, sau khi nhận tiền thì bên lừa đảo biến mất cùng với số tiền.
Gần đây còn xuất hiện hình thức lừa đảo rất nguy hiểm, đó là đối tượng giả chuyển khoản nhầm vào tài khoản của bị hại. Sau đó sẽ giả danh là người thu hồi nợ của công ty tài chính để liên hệ, dọa nạt và yêu cầu bị hại trả lại sổ tiền đã nhận như một khoản vay, cùng với số lãi cắt cổ.
Xin được nhắc lại, thời điểm cuối năm nhu cầu tài chính tăng cao thì cũng là lúc hoạt động tín dụng đen, tội phạm lừa đảo “bung ra”. Nếu không cẩn thận sẽ bị rơi vào cạm bẫy của những đối tượng cho vay nặng lãi, hoặc số tiền tích lũy được một cách nhọc nhằn hàng năm trời sẽ vào túi bọn lừa đảo dưới hình thức chuyển tiền qua tài khoản.
Tín dụng đen cũng như lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản gây bất an trong nhân dân, dẫn đến những hậu quả đau lòng, nhiều bi kịch xã hội. Vì thế người dân cần nâng cao cảnh giác, cùng đó đòi hỏi công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cần phải được đẩy mạnh hơn. Tội phạm mạng ngày cành tinh vi thì việc đấu tranh càng cần đi trước một bước để ngăn chặn.
Đó cũng là hành động cứu giúp người lương thiện trước sự tàn bạo của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cho vay nặng lãi.