Ngư dân vượt khó, đoàn kết vươn khơi bám biển – Bài 1: Gian nan nghề biển
Nghề khai thác hải sản trên biển đối mặt nhiều khó khăn, như thời tiết khắc nghiệt, xăng dầu tăng giá, thiếu lao động đi biển, giá thủy sản bấp bênh... Thế nhưng ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn kiên trì bám biển.
Đối diện nhiều khó khăn
Tai nạn giữa biển khơi không chỉ cướp đi thành quả lao động hàng tháng trời của ngư dân, nhấn chìm con tàu là tài sản để họ mưu sinh mà còn cướp đi cả tính mạng của ngư dân.
Ngày 16 và 17/10/2023, 2 tàu câu mực ở vùng biển Trường Sa đã bị những cơn lốc lớn bất ngờ ập đến nhấn chìm, có đến 93 người bị hất tung xuống biển. Dù lực lượng cứu hộ kịp thời cứu vớt được 80 người nhưng có 2 người đã tử vong và hiện nay vẫn còn 13 người mất tích.
Trao đổi với chúng tôi, ngư dân Lương Văn Viên - thuyền trưởng tàu câu mực QNa 90129TS vẫn chưa hết bàng hoàng: Hậu quả vụ tai nạn quá khủng khiếp, tài sản của gia đình đã nằm lại giữa biển khơi, giờ tôi trắng tay. Nhưng day dứt nhất là những thuyền viên trên tàu vẫn còn mất tích ở biển khơi.
Tại Quảng Ngãi, ngày 16/10/2023, tàu cá mang số hiệu QNg 98087TS do ông Huỳnh Hoàng (trú tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) làm chủ, trên tàu có 10 ngư dân trong lúc vào tránh trú gió tại sông Gianh thì bị mắc cạn. Sóng to, gió lớn đánh liên tục khiến con tàu có nguy cơ bị vỡ và chìm, tính mạng các ngư dân đang bị uy hiếp. Rất may Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã điều tàu và nhân vật lực cứu được ngư dân.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, trong năm 2022 đã xảy ra 78 vụ tai nạn trên biển với 28 phương tiện, làm 50 người chết, 3 người mất tích, hư hỏng 20 tàu cá. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 22 vụ tai nạn trên biển với 6 tàu cá, làm chết 10 người, 1 người mất tích. Và sự cố gần nhất, 2 ngư dân chết và 13 người mất tích. Con số đó đã cho thấy nghề biển luôn đối diện với nhiều hiểm nguy. Nhưng thật đáng trân trọng, ngư dân của chúng ta vẫn kiên cường bám biển.
Muôn đời bám biển
Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, tiếp nối truyền thống của cha ông, ngư dân ở các làng chài ngày đêm luôn có mặt trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hải sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngư dân Trần Trường - chủ tàu cá QNa 91289TS, ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết: Thời ông nội rồi đến cha tôi đều gắn bó với nghề biển, đời tôi cũng vậy. Mới đầu bằng con thuyền nhỏ, sau đó chúng tôi tích góp đóng được con tàu QNa 91289TS cùng với ngư lưới cụ, có giá trị vài tỷ đồng, nên có điều kiện vươn khơi xa đánh bắt hiệu quả hơn. Nhờ đó cuộc sống của gia đình tôi được ổn định.
Còn ông Võ Văn Đình (73 tuổi) - ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, để giữ truyền thống bám biển của gia đình, ông luôn dặn dò, động viên con cháu luôn xem ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa là những ngôi nhà của mình. Đừng vì những khó khăn nhất thời mà bỏ biển.
Ông Đình cho biết, trước đây, gia đình chỉ có con tàu nhỏ 55CV, lưới tự đan, không có thiết bị thông tin liên lạc hay không có máy dò nhưng vẫn tự tin rẽ sóng vươn khơi xa. “Hiện gia đình tôi có 2 con trai, 1 con rể và 3 tàu cá đang ngày đêm bám ở vùng biển Trường Sa, trở thành một trong những gia đình có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ nhiều nhất ở làng biển Bình Châu. Tôi tự hào về điều đó” - ông Đình nói.
Còn lão ngư Trần Xề (85 tuổi) - ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, là một trong số ít ngư dân được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Huy hiệu chiến sĩ Trường Sa, ông Xề cho biết: Thời cha ông phương tiện thô sơ nên đối diện nhiều nguy hiểm, giờ đầy đủ phương tiện hiện đại, biết được thời tiết, giữ được thông tin với đất liền nên những chuyến biển an toàn hơn nhiều và càng vui khi con cháu giữ gìn được truyền thống bám biển của cha ông.
Nghề biển luôn đối diện với nhiều khó khăn, như thời tiết bất thường, biển đang yên bình cũng có thể nổi lốc xoáy lật tàu giữa trùng khơi; mùa mưa bão tàu cá luôn đối diện với những trận cuồng phong, hay nhiều bất trắc khác như tàu chết máy trôi dạt giữa biển, hay đau ốm bất thường và nhiều nguyên nhân khác khiến ngư dân đối diện với nhiều nguy hiểm.
Nhưng nghề biển cũng có rất nhiều niềm vui, trước hết là ngư dân đoàn kết ra khơi, hỗ trợ nhau trong mọi hoàn cảnh; vui những lần phát hiện ra luồng cá, cùng nhau đánh bắt trúng đậm cho thu nhập cao; vui với biển yên sóng lặng, hải sản về bến lại được giá... Vì thế ngư dân luôn giữ gìn truyền thống bám biển từ đời này sang đời khác.
(Còn nữa)