Những dòng sông bị tổn thương
Hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép được đánh giá là siêu lợi nhuận. Thời gian qua, việc khai thác cát sông diễn ra rầm rộ, khiến nhiều dòng sông bị tổn thương. Trong khi đó, việc thiếu vật liệu san lấp, đắp nền xây dựng cao tốc, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, càng cho thấy mức độ nghiêm trọng. Trước vấn nạn này, cần phải làm gì?
Tại hội nghị tổng kết đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, khu vực giáp ranh giữa TPHCM với các tỉnh giai đoạn 2019-2022 và triển khai đề án giai đoạn 2023-2026, ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, những năm qua, tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế diễn ra mạnh mẽ. Điều này kéo theo nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng tăng mạnh.
Thiếu hụt cát xây dựng, đắp nền
Ông Châu cũng nhìn nhận những khó khăn tồn đọng là do một số quy định pháp luật về khoáng sản còn nhiều kẽ hở. Các quy định xử phạt đối với hành vi khai thác cát trái phép còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa các lực lượng kiểm tra với cơ quan, chính quyền địa phương chưa chặt chẽ.
Việc đấu tranh phòng, chống khai thác cát trái phép vì thế sẽ còn diễn ra lâu dài, phức tạp.
Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang bị chậm tiến độ khoảng 8 tháng so với kế hoạch đề ra, trong đó có nguyên nhân do thiếu cát đắp nền (trong tổng số hơn 18,46 triệu m3 cát đắp).
Làm việc với các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu ban quản lý dự án và nhà thầu thực hiện, đảm bảo cung ứng đủ vật liệu cát cho dự án, từ đó đưa dự án hoàn thành đúng kế hoạch. Ông Thắng đề nghị các địa phương phấn đấu hoàn thành các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu khai thác ngay trong năm 2023.
Được biết, riêng với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, công suất khai thác cát hiện nay chỉ khoảng 7.000 m3/ngày, trong khi nhu cầu của dự án khoảng 50.000 m3/ngày.
Thực tế cho thấy, việc thiếu cát làm cao tốc không chỉ xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long mà ở hầu hết các đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam. Nhiều địa phương lúng túng khi cấp phép mở mỏ. Giá cát nói riêng, vật liệu đắp nền nói chung bị đẩy lên cao. Từ đó đã dẫn tới hệ lụy khác khó lường trước. Có thể nêu ví dụ mới đây việc Thủ tướng Chính phủ đã phải yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát ở huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm. Do có sự bất thường trong đấu giá cấp quyền khai thác, cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Cao nhất là mỏ Liên Mạc, giá khởi điểm đưa ra đấu giá là 2 tỷ đồng. Qua 53 vòng, một doanh nghiệp giành quyền khai thác với giá 408 tỷ đồng, gấp 204 lần giá khởi điểm.
Cũng tại Hà Nội, đầu tháng 7/2023, tòa án đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bá Quốc 4 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định khai thác tài nguyên, liên quan đến hành vi khai thác cát trái phép. Đáng chú ý, cùng tội danh, vợ và con gái của bị cáo Quốc cũng lần lượt lãnh án 30 tháng tù giam và 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Cũng trong vụ này, còn 6 bị cáo khác, bị tuyên mức án từ 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 36 tháng tù giam, về cùng tội danh.
Các bị cáo bị cáo buộc khai thác cát nhưng không có giấy phép khai thác khoáng sản. Các bị cáo đã hiện hành vi khai thác cát trái phép tại lòng sông Đà (thuộc địa phận xã Minh Quang). Việc hút trộm cát diễn ra từ 20 giờ hôm trước đến 4 giờ 30 hôm sau.Chỉ trong thời gian ngắn, các bị cáo đã khai thác 306 chuyến tàu cát, tổng khối lượng gần 91.000 m3, tương đương trị giá gần 5,9 tỷ đồng, thu lợi bất chính 577 triệu đồng.
Bị cáo Quốc khai rằng, để có thể khai thác cát trái phép mà không bị xử lý, hàng tháng phải chi mỗi tháng 50 triệu đồng để được “bảo kê”.
Nhiều vụ khai thác cát trái phép bị xử lý
Đầu tháng 10/2023, thông tin từ Công an Quảng Bình cho biết, kể từ đầu năm, Công an huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã phát hiện, xử lý 26 vụ/36 đối tượng, thu giữ 322,3 m3 cát, xử phạt gần 1,1 tỷ đồng. Còn trong năm 2022, Công an huyện Quảng Ninh đã bắt, xử lý 23 vụ/34 đối tượng với số lượng cát thu giữ là 335 m3 cát, xử phạt hơn 374 triệu đồng.
Còn tại tỉnh Bến Tre, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bến Tre) cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, đã tổ chức 845 lượt tuần tra, kiểm tra, 4.203 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, phát hiện 239 vụ, 351 tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản (cát sông). Đã xử phạt vi phạm hành chính 217 vụ, 302 trường hợp. Tổng tiền phạt hơn 8 tỷ đồng, tịch thu 8 phương tiện và hơn 12.000m3 cát sông. Cơ quan công an đã khởi tố 7 vụ án, 9 bị can về tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên theo quy định tại Bộ luật Hình sự.
Theo Đại tá Lê Văn Hiền - Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bến Tre), việc tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm là để không xảy ra bất ngờ và điểm nóng khai thác cát lậu tại địa phương.
Đáng chú ý, tại công văn gửi các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bến Tre yêu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tất cả các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu lực lượng Công an kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm không để tái diễn trở lại các hoạt động khai thác cát lòng sông. Yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên xử lý nghiêm các đối tượng, phương tiện khai thác cát trái phép khu vực cửa sông, ven biển.
Tại tỉnh Bình Dương, đầu tháng 5/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh đã tuyên bị cáo Nguyễn Tấn Phát cùng 2 đồng phạm 33 năm tù giam về tội "giết người". Theo cáo trạng, đêm 10/8/2020, Phát cùng các đồng phạm Đinh Hoàng Anh Tuấn, Hồ Thành Danh tổ chức hút cát trái phép trên sông Đồng Nai (đoạn qua xã Thạnh Hội, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Vào thời điểm trên, Tổ tuần tra do ông Lê Thanh Hải - Phó trưởng Công an xã Thạnh Hội làm Tổ trưởng cùng 3 dân quân xã đi xuồng máy áp sát kiểm tra. Khi bị phát hiện, các đối tượng đã cho chìm ghe rồi lên bờ bỏ trốn.
Việc làm ghe hút cát chìm xuống sông đã tạo nên vùng nước xoáy mạnh gây chìm xuồng máy của Tổ tuần tra. 3 dân quân xã bị nước xoáy cuốn chìm; trong đó có 2 người bơi được vào bờ, còn một người bị đuối nước dẫn đến tử vong.
Điểm lại một số vụ “cát tặc” cho thấy tình hình rất phức tạp, cần có biện pháp ngăn chặn cũng như xử lý kiên quyết hơn.
Nêu ý kiến tại buổi buổi tọa đàm “Vật liệu nào thay thế cát sông?”, do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức ngày 24/11, GS.TS Lê Anh Tuấn - Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) cho rằng, đã đến lúc, các cơ quan, đơn vị liên quan cần ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, tìm ra một phương pháp phù hợp nhất để áp dụng các phương án thay thế vật liệu cát. Việc khai thác cát sông như cường độ hiện nay sẽ kéo theo nhiều hệ lụy làm gia tăng sạt lở, ảnh hưởng đời sống người dân sinh sống ven sông. Ông Tuấn cũng cho rằng, ở các tỉnh vùng lũ, khi làm các công trình vượt lũ chúng ta dùng cát đắp lên để tăng diện tích cho người dân định cư, thì cũng xấp xỉ với phần diện tích bị mất do sạt lở. Có nghĩa là khi lấy cát sông đắp lên thì sạt lở cũng gia tăng tương ứng hoặc cao hơn, thời gian sạt lở kéo dài nhiều hơn.
Lấp “khoảng trống trách nhiệm”
Công tác phòng, chống nạn “cát tặc” hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Mới đây, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, việc 17 người liên quan vừa bị công an khởi tố, tạm giam chỉ là phần nổi của việc khai thác cát lậu.
Tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông tại Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nguyên nhân, trong đó việc khai thác cát tràn lan là một trong những thủ phạm chính và trực tiếp. Đó cũng chính là "nhân tai", gây bức xúc dư luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, trên phạm vi cả nước, hàng trăm vụ bị phát hiện, xử lý mỗi năm chưa phản ánh đúng thực trạng khai thác cát trái phép. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép, nhưng đến nay tình trạng này chưa được ngăn chặn hiệu quả. Hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều đó được dư luận cho rằng trước tiên là "khoảng trống trách nhiệm" khi có sự chồng chéo giữa các bên trong việc quản lý khai thác cát, nên đã bị "cát tặc" lợi dụng. Để ngăn chặn, cần tăng cường phối hợp quản lý và minh bạch hóa hoạt động khai thác cát để người dân cùng giám sát.
Mặt khác, cơ quan chức năng cần truy xuất nguồn gốc cát, lần theo đường đi của những hóa đơn không xuất phát từ các mỏ được phép khai thác mà từ các vỏ bọc, ăn chia lợi ích. Phải sử dụng triệt để công nghệ, thiết bị theo dõi, nhận diện và truy nguyên nguồn gốc cát để loại trừ, góp phần chống "cát tặc".
Với việc cho phép khai thác mỏ cát, cơ quan chức năng mà cụ thể là Sở Tài nguyên và Môi trường phải xác định rõ ràng khu vực nào được phép khai thác, khai thác thế nào là khoa học và hợp lý. Đồng thời, trách nhiệm rất lớn trong giám sát hoạt động khai thác cát sông phải thuộc về chính quyền địa phương.