Cần chính sách đặc thù cho hợp tác xã
Nông nghiệp không thể chỉ làm từng khâu như trồng trọt, chế biến, hay phân phối, mà cần phải phát triển bền vững trong cả chuỗi giá trị toàn ngành, trong đó không thể thiếu vai trò của các hợp tác xã.
“Mắt xích” phát triển bền vững
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 1.718 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất - kinh doanh, có trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản cho thành viên, chiếm 24,5% tổng số HTX nông nghiệp. Dự kiến, đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác. Về số lượng, số HTX tăng khoảng 8%, liên hiệp HTX tăng 26,4% và tổ hợp tác tăng 2,8%.
Trên thực tế đã có nhiều mô hình HTX không chỉ phát triển kinh tế, đưa các hội viên vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần phát triển bền vững. Đơn cử như mô hình kinh tế sử dụng trấu làm chất đốt trong xay xát lúa tại Nhà máy xay xát gạo Vĩnh Bình - tỉnh An Giang. Mô hình này đang được áp dụng với nhà máy xay xát gạo với công suất 80.000 tấn/năm, tạo ra 16.000 tấn trấu (lượng trấu sẽ sử dụng vào việc sấy lúa cho nhà máy chiếm khoảng 50% (8.000 tấn trấu) và phần còn lại sẽ được chế biến thành thanh củi trấu bán ra thị trường)... Theo tính toán với việc giảm tiêu thụ năng lượng tại các cơ sở xay xát - sấy lúa, giảm chi phí năng lượng góp phần tăng tăng lợi nhuận từ việc bán củi trấu hơn 3 tỷ đồng/năm.
Được thành lập năm 2017, HTX Sản xuất và Thương mại Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc hiện đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người tiêu dùng tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Phú Thọ… Ngay khi thành lập, HTX đã chọn hướng phát triển nguồn lực tự có, đó là sản xuất và cung cấp các loại rau, củ, quả theo hướng hữu cơ. Đến nay, HTX thu hút 35 hội viên tham gia với diện tích trồng hơn 3ha. Các sản phẩm của HTX đã được cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ; sản xuất theo nguyên tắc “5 không”: Không thuốc diệt cỏ; không thuốc trừ sâu; không chất bảo quản; không chất kích thích, tăng trưởng; không dư lượng hóa chất độc hại. Sau khi thu hoạch, các sản phẩm được cung cấp cho một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), Hà Nội và một số trường học trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Hội viên của HTX không phải lo đầu ra cho sản phẩm, giá cả ổn định và cao hơn giá trung bình của thị trường.
Đánh giá vai trò của HTX, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhận định, cả nước hiện có 20.000 HTX nông nghiệp với hơn 3,4 triệu thành viên là hộ nông dân. Từ trước đến nay HTX vẫn luôn được mọi người nhìn nhận là một tổ hợp nhỏ lẻ, manh mún ít tiềm lực kinh tế nhưng thực tế hiện các HTX này đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để cùng nhau tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp đa giá trị; hình thành các chiến lược, phương hướng hoạt động và tham gia nhiều sân chơi lớn trên thị trường. Chính vì vậy, việc phát triển HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cần chính sách đặc thù
Đánh giá vai trò của Luật HTX, bà Vân cho rằng, đây sẽ là động lực để các mô hình HTX, đặc biệt là HTX trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên theo bà Vân, cái yếu của HTX là liên kết sản xuất chuỗi từ sản xuất, phân phối. Hay nói cách khác, yếu nhất hiện nay là quản trị.
“HTX cần chính sách đặc thù chứ không phải chính sách ưu tiên. Trên thế giới, vai trò của HTX rất quan trọng. Tại Hà Lan, thành viên HTX gấp 3 lần dân số, một người làm thành viên nhiều HTX. Còn ở Hàn Quốc, mô hình HTX có nhiều thành viên, giáo viên, phụ huynh học sinh là thành viên HTX. Các nước trên thế giới cũng có HTX giáo dục, y tế. Đây là những vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý” - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nêu ví dụ.
Là người tham gia trực tiếp vào hoạt động của mô hình HTX, ông Hoàng Văn Thám - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) cho biết, HTX của ông đang hướng đến nền sản xuất xanh. Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn nhất là nguồn nhân lực. “Hiện, HTX có 7 kỹ sư, nhưng nguồn nhân lực vẫn khó khăn. Bởi, HTX mời các bạn trẻ về làm việc rất khó. Ví dụ lĩnh vực marketing hay nhân viên kinh doanh, HTX sẵn sàng trả lương 10 triệu đồng/tháng nhưng mức này vẫn khó thu hút được nhân lực. Nhà nước cần có chính sách thực chất hỗ trợ cho các HTX” - ông Thám nói đồng thời cho rằng, cần có cơ chế phát triển nguồn nhân lực cho các HTX, nếu thiếu nguồn nhân lực thì HTX sẽ rất khó phát triển. Nguồn nhân lực quyết định sự thành bại của mô hình HTX.
Nhận định triển vọng HTX trong thời gian tới, TS. Đỗ Mạnh Khởi - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho cho rằng, từ nhu cầu thực tế cho thấy, khu vực kinh tế tập thể, HTX chắc chắn sẽ phát triển. Đặc biệt tới đây (1/7/2024) Luật HTX năm 2023 có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ chế để HTX vươn mình. Cụ thể theo Luật HTX năm 2023 có nhiều quy định mới hơn so luật hiện hành, như mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho kinh tế tập thể, HTX phát triển…
Trong đó, đáng chú ý là chính sách hỗ trợ, chính sách mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho kinh tế tập thể, HTX phát triển rất được quan tâm. Luật trao quyền cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài, sau khi đáp ứng đủ nhu cầu của thành viên, phát triển thị trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác. Khi HTX được rộng cửa cung cấp hàng hóa, dịch vụ ra xã hội, thì hoạt động năng động hơn, hiệu quả hơn.
Để hỗ trợ các địa phương trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp; sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành; triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp thực hiện các chương trình dự án có liên quan của Bộ; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.