Ngăn chặn nạn ‘cát tặc’ hoành hành
Cùng nguyên nhân khách quan do khí hậu, môi trường làm thay đổi dòng chảy, thì nạn “cát tặc” mới là nguyên nhân chính gây sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Trong một đợt truy quét, Thủy đoàn 2 Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã thu giữ tới 10 phương tiện của “cát tặc” tại hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.
Nằm núp sâu trong những con lạch đổ ra sông Cửa Đại là những chiếc ghe hút cát trái phép. Quanh cù lao Thới Trung thuộc địa bàn quản lý của hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre có đến hàng chục ghe hút cát trọng tải vài chục tấn cho đến hàng trăm tấn. Ban ngày, đây là nơi trú ngụ. Đêm khuya chính là lúc những hoạt động hút cát lậu diễn ra.
Sông Mã bắt đầu chảy vào Thanh Hóa từ bản Tén Tằn (huyện Mường Lát) rồi chảy qua nhiều huyện, thị của tỉnh Thanh Hóa. Nhiều năm qua, “cát tặc” ngang nhiên cắm vòi vào bãi sông hút cát khiến thay đổi dòng chảy, hủy hoại sinh kế, đe dọa tính mạng người dân. Tại xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy) nạn hút cát trái phép đã khiến hàng chục héc-ta đất nông nghiệp sạt trượt xuống lòng sông, diện tích bãi bồi ven sông bị thu hẹp.
Theo người dân địa phương, “cát tặc” có 2 dạng. Một là dùng loại tàu không đăng ký, hút bất kỳ chỗ nào. Hai là những tàu có số của các đơn vị được cấp phép nhưng các chủ mỏ cát tận dụng tối đa việc khai thác cả trong và ngoài ranh giới được cấp. Đầu năm 2023, một đơn vị khai thác cát tại xã Thiệu Thịnh (huyện Thiệu Hóa) khiến 3.115m2 đất bị “hà bá sông Mã” nuốt gọn.
Điều đáng nói là ở không ít nơi, khi dư luận phản ánh thì lãnh đạo xã và phía tài nguyên môi trường lại cho là tình trạng sạt lở bờ sông là do quy luật dòng chảy bên lở bên bồi, chứ chưa có cơ sở khẳng định do khai thác cát. Đáng nói hơn, còn là thái độ quanh co, thơ ơ khi cho rằng đất bị sạt lở chỉ là đất bãi bồi, còn đất cơ bản của người dân thì không sạt lở.
Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc cấp phép khai thác mỏ cát là thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và UBND tỉnh cũng là đơn vị giám sát việc khai thác có đúng giấy phép hay không. Theo ông Võ, cấp tỉnh phải trực tiếp ngăn chặn cát tặc chứ không phải bắt người dân ngay ngáy lo lắng việc lúc nào cát tặc đến và cầm đá ném để xua đuổi...
Nhưng đối tượng khai thác cát trên sông trái phép được người dân gọi là “cát tặc” hay "cát thổ phỉ” kéo dài nhiều năm, những dòng sông vẫn phải oằn mình chịu đựng. Thông tin về việc ngành chức năng bắt giữ “cát tặc” được đăng tải, nhưng cũng chỉ là một phần so với thực tế khi cát vẫn bị đánh cắp trên những dòng sông.
Tại nhiều địa phương, các nhóm “cát tặc” thường hoạt động vào ban đêm, kể cả khai thác ngay sát những đoạn đê bao của người dân cải tạo để nuôi thả tôm cá. Càng về khuya hoạt động bơm hút cát hoạt động càng mạnh. Người dân ngăn cản thì bị khống chế, đe dọa. Khi chính quyền và ngành chức năng đến thì “cát tặc” tạm ngưng, nhưng khi cán bộ đi thì “cát tặc” lại hoạt động mạnh hơn. Trên nhiều tuyến sông, không khó để thấy các tàu nhỏ bơm hút cát bên trong còn các tàu vỏ thép có khối lượng lớn từ 1.000 đến 1.500m3 neo đậu chờ "ăn hàng".
Trong khi đó, theo lãnh đạo nhiều Sở Tài nguyên và Môi trường việc quy định xử lý nạn khai thác cát trái phép còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác xử lý, như phải chứng minh thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động vận chuyển tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và được quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật (khoáng sản, xây dựng, đầu tư, thuế) nên gặp nhiều khó khăn.
Nhu cầu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là cát xây dựng, cát san lấp rất lớn. Cũng còn do lợi nhuận cao, trong khi các quy định pháp luật còn bất cập nên tình trạng vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp.
Thực tế cho thấy, nếu cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không quyết liệt vào cuộc ngăn chặn, xử lý thì “cát tặc” vẫn hoành hành. Người dân địa phương nơi những tuyến sông bị xâm hại dù có hành động thì cũng không ngăn chặn nổi, vì những đối tượng này rất manh động, đôi khi còn tấn công cả người dân. Có nơi, đêm hôm khuya khoắt, người dân phải tập trung trên bờ gõ xoong nồi để đuổi “cát tặc”. Cũng đã từng xảy ra vụ các nhóm “cát tặc” dùng súng “thanh toán” nhau để tranh giành “lãnh địa”.
Những dòng sông không thể bình yên nếu như nạn “cát tặc” vẫn tồn tại.
Cùng với việc truy quét “cát tặc” thì một vấn đề rất quan trọng là kiểm soát chặt chẽ những bãi tập kết cát. Nếu như “cát tặc” lợi dụng đêm tối để đục khoét bờ sông, lòng sông, gây khó khăn cho công tác xử lý, thì những bãi tập kết cát khổng lồ rành rành ra đó, không thể nói là cũng khó kiểm soát.