Hệ lụy kép từ khai thác cát trái phép
Khai thác quá mức lượng cát trên sông dẫn đến sạt lở bờ, ảnh hưởng đời sống người dân, gây rối loạn thị trường và ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái thủy sinh.
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca - nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì việc hút cát quá mức đã khiến nhiều nơi trên sông Hồng và các sông dọc theo hướng Bắc - Nam bị hạ thấp và giảm mực nước.
“Nếu lượng cát bị hút quá nhiều tại một vị trí, nhất là nạo vét thông luồng, mực nước tại đó và thượng nguồn sẽ bị giảm, đồng thời độ dốc đáy sông và mặt nước tăng lên nên vận tốc dòng chảy cũng tăng theo, gây xói lở đáy và làm lộ ra các chỗ nông khác ở khu vực thượng nguồn” - ông Ca nói và cho rằng một số cây trồng ở hai bên sông có thể bị chết và tạo ra những thay đổi đến hệ sinh thái. Đồng thời, việc mực nước ngầm bị hạ thấp còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt của dân cư. Dòng sông bị tụt khiến chân công trình bị lộ và nhanh chóng hư hỏng.
"Lòng sông và thay đổi chế độ dòng chảy cũng ảnh hưởng tới việc săn mồi, phát triển, đẻ trứng và nuôi dưỡng các con non của động vật thủy sinh" - ông Ca cho biết.
Còn theo PGS.TS Đào Trọng Tứ (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam - VRN), việc khai thác cát vượt mức sẽ làm tụt đáy sông. Do dòng sông bị xói sâu ở một điểm, lượng cát từ thượng nguồn về sẽ đọng lại mà không chuyển được về cho hạ du.
PGS.TS Đào Trọng Tứ còn cho rằng một dòng sông thường chảy qua nhiều tỉnh, thành nhưng sự hợp tác giữa các địa phương còn mang tính hình thức. Chỉ thông qua họp và trao đổi hơn là xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể. “Phải cải tổ cách quản lý. Có như vậy mới trị được vấn nạn ô nhiễm và "cát tặc" hoành hành” - ông Tứ nói.
Thực tế cho thấy, khai thác cát dù ở mức độ nào cũng gây ảnh hưởng nhất định đến môi trường và chất lượng nước sông. Ngay cả với những dự án khai thác cát được cấp phép thì vấn đề cần phải được đặt ra là cơ quan cấp phép không chỉ kiểm tra chi tiết trong mỗi phương án chủ đầu tư cam kết, mà còn phải giám sát chặt trên diện rộng đối với các dự án này, tránh tình trạng "cấp phép một đằng, khai thác một nẻo". Bởi thời gian qua, nhiều dự án lợi dụng giấy phép để khai thác quá mức.
Việc giám sát không chỉ xung quanh khu vực khai thác mà phải chạy dài lưu vực, bởi mức độ ảnh hưởng của quá trình khai thác cát trên một phạm vi rộng lớn. Đồng thời, khi cấp phép phải buộc chủ dự án cam kết bồi thường nếu để xảy ra các sự cố cho môi trường như sạt lở, gây ô nhiễm nước sông, cá chết. Chỉ có như vậy mới hạn chế được việc các chủ dự án lợi dụng giấy phép để làm bậy.
Cũng cần lưu ý, việc khai thác cát chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy, gây hiện tượng bồi lắng không theo trật tự nào, từ đó tạo ra những dòng xoáy bất ổn định hoặc gây nên hiện tượng lở cả hai bờ sông. Vì thế, cần phải đặt lợi ích chung của xã hội lên trên lợi ích nhỏ lẻ, cục bộ. “Giết chết” một dòng sông bằng cách xả thải chưa qua xử lý và khai thác cát bừa bãi thì dễ, nhưng để hồi sinh một dòng sông chết là vô cùng khó khăn. Có khi phải cần đến vài chục năm, hàng trăm năm.
Tình trạng khai thác cát trái phép quá mức và thiếu kiểm soát ở nhiều nơi thời gian qua không chỉ gây thất thoát tài nguyên, thất thu cho Nhà nước mà đang trực tiếp gây ra nhiều hệ lụy kép. Việc khai thác bừa bãi, không tuân thủ quy định gây tác động rất lớn đến hệ thống sông ngòi. Ở nhiều dòng sông, mực nước đã và đang có xu hướng hạ thấp mà một trong những nguyên nhân là do khai thác cát bừa bãi gây xói mòn lòng sông và xói lở bờ bãi.
Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc chống nạn “cát tặc” thì cũng rất cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép khai thác cát sông. Tiếp đó, phải tăng cường giám sát hoạt động khai thác cát của các dự án, không để chủ đầu tư lạm dụng giấy phép hủy hoại dòng sông nhằm trục lợi. Càng không thể để xảy ra tình trạng chủ dự án lại trở thành “cát tặc có tổ chức” từ chính hành vi khai thác cát bừa bãi trên các dòng sông.
Từng hạt cát thì rất nhỏ nhưng một mỏ cát, hàng trăm mỏ cát lại là chuyện cực lớn.