Cuộc sống muôn màu

Rét về nhớ… niễng

THIÊN TRANG 27/11/2023 10:30

Những ngày này, thấy xôn xao trên các trang Facebook nhiều người bán củ niễng đặc sản Nam Định, lòng tôi bứt rứt không yên.

Tôi luôn cảm thấy mình mắc nợ với quê nhà. Nợ cánh đồng, nợ mảnh vườn của mẹ, nợ cây mít cây ổi góc vườn, những mùa rau muống đơm hoa, nợ mùa niễng trong ngọc trắng ngần, của ruộng cả ao sâu vào mùa ân mật.

Tôi mắc nợ những ngọt ngào đắng chát, cả những ngọ ngằn, thơm thảo của chốn quê xưa. Từng mùa hoa thơm trái ngọt được ươm lên từ đôi bàn tay mẹ chai sần, qua tháng năm đất cằn, nước ngập, đã cần mẫn chắt chiu mà nuôi tôi khôn lớn nên người.

Tháng Mười hanh heo, cơn may cơn bấc gọi đông đã chơm chớm luồn quanh ngõ xóm. Cánh đồng mênh mông bên kia bờ mương phía tây làng đã cạn trơ gốc rạ, sáng sớm chiều lên ngõ hầu vắng lặng, ruộng nằm chờ đến phiên cày ải, liu hiu dưới sương bụi giăng màn. Trâu bò trong mùa cỏ lụi khó tìm được đám cỏ tươi ngon, được rong sớm về chuồng nằm buồn nhai rơm khô. Chim chóc thấy gió đông xao xác đã bay đi, tìm về phương Nam tránh rét.

cach-lam-cu-nieng-xao-thit-bo-2(1).jpg
Củ niễng nấu thịt bò.

Xóm làng lưng lửng chiều hôm cũng chừng liu riu ngái ngủ trong sương may đâu đó màn mạt bay về. Nhưng cũng đâu đó dưới các lùm cây ngả vàng sắc lá, lác đác có tiếng các mẹ hỏi với nhau qua bờ giậu mỏng: Ruộng niễng vụ đầu nhà bác đã bẻ được chưa? Niễng ao sáng nay trắng nõn trắng nà, chắc mẩy, đắt hàng lắm. Thế là, các ruộng/ ao niễng trong làng đã đến kỳ thu hoạch, bắt đầu một mùa niễng rộn ràng…

Chị tôi đi bẻ niễng vào mỗi buổi chiều. Vụ mùa vừa mới gặt xong, rơm rạ hút gió heo may đã vàng thơm xao xuyến. Thóc chỉ mới ráo, còn phải phơi mấy nắng nữa thì mới đạt tiêu chuẩn của mẹ tôi: “săn giòn cầng cậc”. Mẹ đóng tạm thóc vào các bao rứa, xếp chồng một góc. Sân nhà rợp bóng cây, thóc vụ chiêm chỉ cần phơi vài nắng đã săn, thóc vụ mùa thường phải mang lên sân kho hợp tác, qua dăm nắng mới xong, còn kịp đóng thuế. Nhưng lúc này vẫn phải tạm dẹp thóc lại, để nhường chỗ cho niễng về.

Tôi nhớ hai tiếng “niễng về” của chị tôi tựa như tiếng reo vui. Ấy là khi chị tôi người khoác áo mưa, đầu đội mê nón gãy, vác một vác niễng lượt thượt trên vai, đi như chạy từ ao về nhà.

Cây niễng ao lá tốt, thân lá dài như đòn gánh, lá niễng lại có riềm cưa, rất dễ cứa đứt tay. Chị tôi xốc vác, nhanh như sóc, việc gì nặng nhọc trong nhà chị cũng dành lấy để làm. Một mình lội ao bẻ niễng, một mình vác niễng về, để em gái đỡ bị ướt áo ấm. Niễng về đến sân, mới nhờ em dùng liềm cắt lá cho gọn gàng. Lúc này chỉ còn bẹ niễng bao bọc lấy phần củ trắng nõn, không thể làm em bị cứa đứt tay.

Niễng mọc trong ao sâu ruộng trũng, nên thu hoạch củ niễng là mang theo cái ướt lạnh về nhà. Cha tôi gom bao nilon phân đạm từ bao giờ, cắt ra thành mảnh, rải lên nền nhà để… hứng niễng.

Củ niễng ao thường nhô lên chút xíu hoặc xâm xấp mặt nước, để bẻ được củ niễng, chị tôi lội ao nhưng trên người mặc thêm cái áo tơi mưa để ngăn nước đỡ ngấm vào xống áo mùa đông. Gặp ngày rét dữ, chị ngồi trên thuyền len lỏi vào niễng, với liềm mà cắt. Nhưng có niễng về là đắt chợ, là ấm dạ ấm lòng nên chị tôi vui, làm không biết mệt. Với người nông dân, củ niễng là một món hàng được giá, nếu đem so với các loại rau khoai đậu.

Hồi ấy nhà tôi có hai cái ao lớn, một vuông ruộng và bờ ngòi một dải, dành để trồng niễng. Đúng ra là niễng được trồng chung với rau muống. Mùa rau muống kéo từ xuân đến hết thu, còn củ niễng một năm chỉ thu hoạch một vụ ngắn ngày, vào tháng 10, 11. Cá trong ao rau muống củ niễng chủ yếu là cá đen, tức các loại rô, trê, trõn (cá quả).

Cuối năm, vào độ giữa tháng Chạp, chờ gốc niễng lụi, nhà sẽ tát ao. Mẹ tôi bảo, ao dù có hôi kĩ thế nào, cũng không thể bắt hết được lũ cá đen rúc sâu trong bùn, trốn trong gốc niễng.

Rồi sang xuân - hè, tự chúng sẽ sinh sôi. Đôi khi, có ít cá mè, cá trắm là do mỗi trận mưa bão, nước ngập tràn bờ, ao nhà nọ hòa làm một với ao nhà kia. Cá lúc ấy tha hồ ngao du, nên cuối năm tát ao niễng mới thấy có trắm, chép, mè, trôi nhưng không nhiều và cũng chẳng béo, mẹ tôi lại bảo, cá trắng có trót sa vào ao niễng, nó cũng không lớn được.

Niễng nhà tôi nghe nói được xin giống từ mạn Hải Hậu, nơi có người bà con họ hàng nhà tôi rời quê ngụ cư ở đó. Trong làng, nhà tôi nhiều niễng nhất, thứ nhì là nhà bà Niệm, người hàng xóm ngay sát giậu vườn nhà tôi. Chắc vì thân gần nên hai nhà đã chia sẻ cho nhau giống niễng. Sau đó thì có thêm ít ruộng trũng của mấy nhà xóm dưới. Ở quê nhà nào cũng có ao, nhưng nếu đã trồng niễng thì không thể thả được cá trắng. Niễng chỉ có thể chung ao với rau muống và cá đen tự nhiên. Mỗi năm niễng chỉ cho thu hoạch một vụ ngắn ngày, nên không phải ai cũng thiết tha trồng niễng.

Nhưng đối với nhà tôi, mỗi năm một vụ niễng tuy vất vả nhưng hân hoan no ấm. Chừng hơn một tháng, chị tôi chiều nào cũng lặn lội vào giữa những bụi niễng ngập lút đầu người để bẻ, cánh tay, bàn tay, thậm chí là cả trán và má, đều loáng thoáng dấu vết “lá niễng cào”.

Cùng với chị tôi, là cả nhà còng lưng bóc niễng, bó thành bó từng chục củ một. Tinh sương chưa tỏ mặt người, chị tôi kĩu kịt gánh niễng vào thành phố. Những gánh niễng nặng trĩu, đòn gánh chừng muốn gãy, bởi chị tôi luôn gánh cố để ngày không phải đi hai buổi chợ. Hồi ấy nhiều người đã biết đi xe đạp thồ, nhưng chị tôi nhất định không tập xe, chỉ gánh bộ. Bù lại, niễng được giá, mẹ tôi chắt chiu dành dụm sửa cửa sửa nhà, lo cho các con ăn học, lại dành một món tiền ăn Tết, một món cho ra Giêng đói kém, có cái đắp đổi qua ngày trong lúc chờ đến vụ chiêm mới.

Cuối mỗi vụ niễng, nhìn mẹ tôi tát ao, đánh gốc niễng quần quật vô cùng vất vả. Những gốc niễng to bằng cái thúng, ăn sâu tận đáy ao, chỉ “đánh tỉa” bớt xung quanh để cho nó “tức rễ” mà đâm chồi mới, chứ đào được nó đi khỏi ao thì không dễ.

Ai cũng bảo, trồng niễng mà làm gì, cả năm mới thu được mấy đồng, sao không thả vài lứa cá cho nó nhàn. Nhưng không hiểu sao, mẹ tôi chỉ thích trồng niễng và rau muống. Cứ sau mỗi vụ niễng, chờ gốc lụi đi, mẹ “đánh tỉa”, tát ao, rồi quật bùn lên đắp ủ, chờ mưa xuân cho niễng đâm mầm. Rồi lại tỉa cây con, cấy thêm niễng cho mùa sau.

Niễng thực ra là một loại lúa cổ đại, được gọi là lúa bắp hay lúa miêu, cũng có tên nữa là giao bạch. Niễng được sử dụng như một loại cây lương thực, thực phẩm ở một số nước châu Á, gồm cả phần thân và hạt đều ăn được.

Cây niễng bị một loại nấm gọi là nấm than nhiễm vào mầm ngọn mà phình ra thành củ niễng, khiến cây niễng không thể ra hoa, kết hạt. Việc thu hoạch củ niễng làm thức ăn là để tránh cho cây niễng bị nấm than làm thối ngọn mà chết.

Khi thái lát củ niễng, ta thấy bên trong chi chít những vết chấm nhỏ, có màu nâu nhạt khi củ niễng non và chuyển màu đen khi củ niễng già, đấy chính là nấm than của củ niễng. Không có hạt niễng, người ta trồng niễng bằng cách ươm những mầm niễng mới trên gốc niễng, nên niễng thuộc loại cây khó trồng, khó nhân giống. Có lẽ bởi thế mà mẹ tôi quý niễng, hiểu giá trị của củ niễng, nên dù ai kêu ca rằng vất vả, mẹ tôi vẫn một đời trồng niễng cùng rau muống chung ao, cho đến khi già cả chân yếu tay mềm, không còn sức lội ao quật bùn ươm niễng cho mùa sau.

Khi tôi còn là một cô gái nhỏ, vào mùa, mẹ thường bảo tôi đi vòng quanh từ ao sau về ao trước, qua mấy dải làn soi và ruộng phần trăm, để trông niễng. Niễng um tùm tươi tốt mọc sát bờ ao, củ niễng trắng ngần, chắc mẩy, ranh rảnh đâm ra khỏi bẹ, nhìn rất ngon mắt. Chỉ cần cúi người, với tay là có thể bẻ được củ niễng, nên những người đi qua hay tiện tay bẻ niễng nếm thử vị ngọt đầu mùa. Niễng là loại củ ăn sống rất ngọt, đem xào với trứng thì bùi béo, xào với thịt bò thì giòn ngọt đậm đà, rắc lên chút hạt tiêu, rau thì là, sẽ dậy mùi thơm ngon khó tả. Niễng lại rất lành, ăn sống đến no vẫn êm bụng, ăn chín có thể thay cơm.

Tôi nhớ những chiều heo may giăng đầy trong những cơn mưa đầu mùa giá lạnh, bó niễng đầu mùa, mẹ tôi nhắc chị đem biếu người này người kia, là những người họ hàng hay bạn bè thân quý. Còn trong chòm xóm, mỗi nhà đều được biếu vài bữa, như một món đặc sản. Rồi khi niễng qua mùa, gốc niễng lại đâm mầm thành cây “niễng dài” tựa như “lúa dài”.

Cây “niễng dài” cũng cho củ niễng như “lúa dài” đơm bông, nhưng củ niễng nhỏ, không chắc mẩy, lại nhiều nấm than, nhanh già. Mót niễng ấy mà ăn cũng rất ngon. Và mùa “niễng dài” là mùa bà con chòm xóm thỏa sức tự do bẻ niễng như kiểu người ta ra đồng mót lúa, rất vui.

Củ niễng những năm tháng gần đây trở thành đặc sản của Nam Định, mỗi mùa về là xôn xao nô nức bán mua từ chợ quê, chợ phố cho đến chợ online.

Thế rồi tôi cũng đã trả xong “món nợ” với củ niễng quê mình. Thứ đặc sản mà nhờ nó, mẹ tôi, chị tôi qua bao tháng năm vất vả cũng vẫn ưng lòng chăm chút, để mỗi năm hy vọng vào một mùa ngắn ngủi, chắt chiu dành dụm cho cuộc sống bớt đói nghèo.

THIÊN TRANG