Xã hội

Thúc đẩy xuất khẩu lao động vùng khó khăn

Lê Bảo 25/11/2023 13:16

Đã có những chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhằm khuyến khích lao động vùng đặc biệt khó khăn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) làm việc ở nước ngoài, đặc biệt ở những thị trường có thu nhập cao. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội số lượng lao động tại các vùng đặc biệt khó khăn đi làm việc ở nước ngoài còn chiếm tỷ lệ nhỏ.

anh-bai-tren.jpg
Buổi tư vấn, tuyên truyền cho người dân xã Chu Hương, huyện Ba Bể , tỉnh Bắc Kạn. Ảnh Lan Hương.

Đổi thay nhờ xuất khẩu lao động

Xác định đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những giải pháp để người dân phát triển kinh tế cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện Chờ Đồn, Bắc Kạn đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đi làm việc ở nước ngoài.

Theo đó trong năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Chợ Đồn giải ngân 343 triệu đồng để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2023 huyện giải ngân gần 1,5 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ người lao động vùng DTTS đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời phối hợp với doanh nghiệp (DN) tổ chức 2 đợt tư vấn cho 450 người và thành lập tổ thẩm định hồ sơ hỗ trợ đối với người đi lao động ở nước ngoài. Đến nay, trên địa bàn huyện Chợ Đồn có 217 lao động được hỗ trợ đi XKLĐ tại thị trường các nước Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Rumani. Nhờ triển khai chính sách đưa lao động vùng khó khăn đi làm việc ở nước ngoài, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo.

Tương tự tại Bắc Giang, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), toàn huyện Sơn Động có hơn 900 người đang đi lao động hợp đồng tại các nước. Riêng từ đầu năm đến nay có 110 trường hợp XKLĐ, tập trung chủ yếu ở các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… Qua đánh giá, từ XKLĐ, nhiều hộ gia đình có điều kiện cải tạo nhà ở, vươn lên thoát nghèo, thậm chí có vốn đầu tư kinh doanh.

Đánh giá về công tác đưa lao động vùng khó khăn đi làm việc ở nước ngoài, báo cáo Bộ LĐTBXH cũng chỉ rõ, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về công tác giảm nghèo bền vững cho người dân tại các vùng đặc biệt khó khăn trên cả nước, từ năm 2009, Bộ LĐTBXH đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các chính sách, chương trình hỗ trợ đưa người lao động tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững các giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025.

Nhờ triển khai các chương trình này, đã hỗ trợ người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp họ có ý thức học nghề, ngoại ngữ và rèn luyện kỹ năng, kỷ luật, để đáp ứng yêu cầu làm việc tại các nước có nền kinh tế phát triển, với thu nhập cao, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Đáng ghi nhận sau khi trở về, người lao động có một khoản tiền tiết kiệm, cộng với tay nghề và tư duy mới đã góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh cho gia đình, địa phương, từ đó là tiền đề giúp giảm nghèo bền vững.

Ưu tiên làm việc ở thị trường thu nhập cao

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, trong những năm gần đây, số lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày một tăng, trung bình khoảng 8-10%/năm. Đặc biệt, ghi nhận sự gia tăng số lượng lao động đi làm việc tại các nước có thu nhập tốt và ổn định như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Các thị trường này chiếm tới 95% số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Có khoảng 10.290 người lao động được hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ các thủ tục đi làm việc ở nước ngoài, trong đó, có khoảng 466 ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc ở Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và có 9.824 người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Theo ông Liêm, số lượng lao động tại các vùng đặc biệt khó khăn đi làm việc ở nước ngoài còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Nguyên nhân, do địa bàn vùng biên giới là vùng sâu, vùng xa, người lao động thiếu thông tin về thị trường lao động ngoài nước. Hơn nữa, các DN cũng ít tuyển, do chi phí để tuyển lao động cao hơn các vùng miền khác, hiệu quả không cao.

Để tăng cường công tác đưa người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách và vận động các doanh nghiệp tham gia tuyển chọn người lao động thuộc đối tượng đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đàm phán với phía Hàn Quốc về việc ưu tiên tuyển chọn người lao động thuộc vùng đặc biệt khó khăn đi làm việc tại nước này theo Chương trình EPS, trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp. Đồng thời, cần có hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài…

Lê Bảo