Tái khởi động nhiều công trình giao thông trọng điểm
Hàng loạt công trình giao thông được khởi công, xây dựng rồi vướng mắc nhiều năm nay đồng loạt được hồi sinh, dự kiến sẽ mang tới thay đổi lớn hạ tầng khu vực phía Nam.
Sau 12 năm tạm ngưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, dự án đường cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa dài gần 73km vừa được khởi động trở lại. Với vai trò kết nối khu vực Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long, đây là trục đường cao tốc quan trọng. Tuy nhiên, sau khi khởi công năm 2009, dự án chỉ thi công được một số hạng mục nhỏ và bị bỏ hoang nhiều năm.
Dự án đi qua địa bàn 3 tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An với quy mô cao tốc 2 làn xe nhưng sẽ nâng cấp lên 6 làn xe trong thời gian tới. Sau khi hoàn thành đồng bộ, công trình giúp các phương tiện từ Tây Nguyên di chuyển tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại mà không phải đi qua trung tâm TPHCM, tránh tình trạng quá tải lưu lượng lưu thông.
Ngoài tuyến đường cao tốc trên, một tuyến đường cao tốc quan trọng khác cũng đang được tái khởi động là tuyến Bến Lức - Long Thành. Nếu cao tốc Đức Hòa - Chơn Thành kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên thì tuyến Bến Lức - Long Thành dài 55km kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ.
Đây là một dự án có số phận khá “lận đận” khi được khởi công năm 2014 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, sau đó dự án tạm ngưng vào năm 2019 vì gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 và nguồn vốn, thủ tục thi công.
Gần đây, dự án đã giải quyết được các vướng mắc và có nguồn vốn để bắt đầu thi công trở lại với những hạng mục quan trọng là 2 cây cầu dây văng Bình Khánh, Phước Khánh. Đặc biệt, dự án sẽ được thay đổi quy hoạch, nối thêm một số đường dẫn như ở huyện Nhà Bè, Cần Giờ. Đây được cho là 2 hạng mục có vai trò quan trọng ở TPHCM bởi hiện nay, khu vực Cần Giờ vẫn bị “cô lập” do là huyện đảo, không có đường bộ. Khi khởi công, việc xây dựng đường cao tốc và 2 cầu dây văng nhưng không làm đường nối với Cần Giờ do lo ngại tác động với môi trường của hệ sinh thái rừng nguyên sinh.
Ngoài 2 dự án đường cao tốc kể trên, một loại dự án hạ tầng khác ở khu vực phía Nam có quy mô nhỏ hơn cũng được “hồi sinh” và dự kiến hoàn thành trong thời gian tới. Đó là nhóm 3 dự án cầu Nam Lý, Tăng Long và cầu Long Đại (đều ở TP Thủ Đức) với số vốn hàng ngàn tỉ đồng. Ba dự án này đều được khởi công từ nhiều năm trước nhưng bị vướng nguồn vốn, mặt bằng hoặc thủ tục nên tới thời điểm này vẫn chưa hoàn thành. Dự án cầu Nam Lý có nguồn vốn 919 tỷ đồng, khởi công năm 2016 và kỳ vọng hoàn thành 3 năm sau đó. Dự kiến, cầu sẽ hoàn thành cuối năm 2024. Tương tự, cầu Long Đại với số vốn 350 tỷ đồng, được khởi công năm 2017 nhưng khi xây dựng được 50% khối lượng công việc thì tạm ngưng. Đầu tháng 11, dự án mới được tái khởi động và dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.