Kinh tế

Tăng sức cạnh tranh từ khu công nghiệp xanh

T.Hằng 21/11/2023 07:45

Nhu cầu về bất động sản công nghiệp xanh và phát triển bền vững từ nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được dự đoán sẽ ngày càng tăng. Các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo do áp dụng thuế carbon.

anhbaitren(2).jpg
Công nghiệp xanh giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ảnh: Lan Anh.

Hình thành nhiều khu công nghiệp xanh

Theo nhận định của ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp (KCN) DEEP C, hiện nay các nhà đầu tư quốc tế đang có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn các đối tác có cùng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Điều này giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho các KCN đang định hướng trở thành KCN xanh, KCN sinh thái trong hoạt động thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường.

“Nhu cầu về bất động sản công nghiệp xanh và phát triển bền vững từ nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được dự đoán sẽ ngày càng tăng. Các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo do áp dụng thuế carbon” - ông Bruno Jaspaert nhấn mạnh.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong thời gian qua, một số KCN đã phát triển theo hướng bền vững và thí điểm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái, KCN thông minh, gắn hoạt động sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên thông qua hoạt động cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn.

Một số điển hình về phát triển KCN bền vững, thông minh như KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, KCN Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng. Việc thí điểm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái cũng đang diễn ra tại KCN Khánh Phú và KCN Gián Khẩu ở Ninh Bình, KCN Hòa Khánh tại Đà Nẵng và KCN Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ.

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Thanh Bình Phú Mỹ - Chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3 chia sẻ, Phú Mỹ 3 quyết định theo đuổi theo mô hình sinh thái thay vì đi theo kiểu truyền thống.

“Kể từ năm 2017 đã có các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. KCN nay thu hút 3 tỷ USD từ 41 nhà đầu tư. Vì vậy, để phát triển KCN mang tính bền vững, trước tiên phải xem lợi thế địa phương rồi định hướng chiến lược thu hút đầu tư và phải kiên trì với mục tiêu đó. Điểm mấu chốt là, phải lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư” – bà Thảo Nhi nói.

Cần có chính sách để định hướng phát triển

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững các KCN không phải là vấn đề đơn giản, khi mà nguồn vốn còn hạn chế, chính sách tài chính xanh chưa thực sự đi vào cuộc sống; còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hình thành liên kết cộng sinh công nghiệp; nhận thức về phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chưa đầy đủ, một số địa phương chưa quyết liệt vào cuộc; thủ tục thành lập mới các KCN nói chung và KCN sinh thái nói riêng còn phức tạp và mất nhiều thời gian…

Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết, trong thời gian tới, Bộ KHĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các KCN, khu kinh tế trên cả nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, đặc biệt, đối với các mô hình KCN mới như KCN sinh thái.

Trong đó, việc nghiên cứu, xây dựng Luật KCN, khu kinh tế để bảo đảm tăng cường tính cạnh tranh quốc tế của các mô hình KCN, khu kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ KHĐT sẽ cùng các Bộ, ngành và địa phương triển khai.

Ông Kasahara Masayuki - Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại TPHCM phân tích, trường hợp Thái Lan, Nhật Bản và một số quốc gia mà Jica đã hỗ trợ cho thấy cần có sự phối hợp chính phủ và đại diện KCN để xây dựng bộ chỉ tiêu KCN xanh. Đồng thời cũng cần có những hành động phù hợp để tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài vào KCN. Việt Nam cần hệ thống tích hợp để có hệ thống quy định, hướng dẫn, kiểm định xem có đạt tiêu chí KCN sinh thái không. “Chúng tôi có biên bản chính thức để công nhận đạt KCN sinh thái. Đây cũng vấn đề mà theo tôi, Việt Nam cần có quy định với một bộ tiêu chuẩn chung cũng như cụ thể” - ông Kasahara Masayuki nói.

T.Hằng