Quan tâm nhiều hơn khi trẻ dậy thì sớm
Những năm gần đây, tình trạng dậy thì sớm ngày một phổ biến đối với trẻ em. Mặc dù dậy thì là một hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng việc quá trình này diễn ra quá sớm có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ về sau.
Bé gái N.H.M. (6 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) cùng bố mẹ tới khám tại Bệnh viện đa khoa Medlatec do khoảng hơn 1 năm nay gia đình thấy trẻ có biểu hiện cao vượt trội hơn, đặc biệt trong vòng 6 tháng bé cao thêm 8cm, trẻ cũng có những dấu hiệu phát triển trưởng thành hơn so với các bạn cùng trang lứa. Qua các xét nghiệm, bác sĩ kết luận trẻ dậy thì sớm, rối loạn mỡ máu, thừa cân.
BS Dương Thị Thủy - Khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa Medlatec) cho biết: Dậy thì sớm là dấu hiệu trẻ phát triển các đặc tính sinh dục sớm hơn bình thường. Đặc biệt, tỷ lệ dậy thì sớm xuất hiện ở các bé gái nhiều hơn 10 lần so với các bé trai. Những trẻ dậy thì sớm thường có thời gian phát triển khung xương và chiều cao ít hơn nên chiều cao của trẻ khi trưởng thành có thể hạn chế hơn so với những trẻ phát triển bình thường. Ngoài ra, việc dậy thì sớm hơn bạn bè cũng khiến trẻ gặp nhiều vấn đề như chưa có đủ kiến thức về việc chăm sóc bản thân, xuất hiện cảm giác tự ti do sự khác biệt với bạn bè, khả năng quan hệ tình dục sớm hoặc lạm dụng tình dục cao...
BS Nguyễn Thị Lan Linh - Khoa Hô hấp - Tim mạch - tiêu hóa - thần kinh (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) thông tin: Hiện, chỉ riêng tại Bệnh viện đã có trên 30 bệnh nhi đang điều trị dậy thì sớm. Hàng tháng, thông qua khám chữa bệnh, đều ghi nhận thêm những trường hợp được phát hiện mới, phần lớn là bé gái.
Theo các bác sĩ, một số yếu tố cá nhân, môi trường, gia đình có thể là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến dậy thì sớm, như trẻ mắc bệnh lý bất thường của cơ thể, u ở vùng dưới đồi hoặc ở tuyến yên nằm ở não bộ… Hay các trường hợp có u nang buồng trứng, u thượng thận, các bệnh tuyến giáp… Mặt khác, hiện nay, ngành chăn nuôi công nghiệp với các dây chuyền sản xuất sữa bò, thịt lợn, gà... thường lạm dụng các hormon tăng trưởng, trẻ sử dụng thực phẩm chứa hormone này có thể khiến dậy thì sớm. Bên cạnh đó, thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm ở trẻ.
Một trong những nội dung quan trọng được các chuyên gia khuyến cáo để tránh nguy cơ trẻ dậy thì sớm, đó là chế độ dinh dưỡng. BS Dương Thị Thủy nhấn mạnh, không nên cho trẻ ăn những thực phẩm quá bổ dưỡng như đông trùng hạ thảo, nhân sâm, sữa ong chúa; trái cây và rau củ quả trái mùa. Đồng thời, cần hạn chế cho trẻ ăn những món thịt từ gia súc, gia cầm, hải sản có sử dụng chất tăng trọng. Tránh các loại thực phẩm có nhiều chất béo và lượng đường cao như sôcôla, các loại bánh, đồ uống ngọt, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ
Phụ huynh cần cho trẻ tăng cường vận động, thể dục thể thao để tránh nguy cơ dậy thì sớm. Mỗi ngày nên cho trẻ hoạt động thể dục từ 20-30 phút. Các bài tập có lợi cho sự phát triển lâu dài của trẻ bao gồm chạy, nhảy cao, nhảy dây, bơi lội, đá cầu…
Đặc biệt, không nên tự ý dùng thuốc cho con, đặc biệt thuốc nội tiết có thể gây những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của trẻ. Đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt ở trẻ có dấu hiệu nguy cơ thừa cân, béo phì, tuyến vú phát triển sớm để được bác sĩ tư vấn cụ thể.