Thương về mùa lá khô
Gió mùa Đông Bắc ào về lúc mọi người đã ngủ say. Sáng dậy, không khí lạnh đã bao quanh cả ngôi làng. Khoảnh sân nhỏ trước nhà trải đầy lá khô, gió cuốn xào xạc. Chỉ là cái lạnh đầu đông nhưng nó cũng kịp để lại trong lòng tôi những cảm xúc khó tả.
Tiếng bầy chim liếp chiếp trên cành có vẻ buồn so, khác hẳn âm thanh lảnh lót vui tươi của chúng những hôm trời cao nhiều nắng, hoặc có thể không gian xao xác gió mùa sáng nay đem đến cho tôi cảm nhận như thế cũng nên.
Gió mùa khô se lạnh luôn làm tôi nhớ về những buổi sáng thức dậy co ro trong cái rét đầu mùa. Mẹ tôi mở tủ lấy ra những cái áo ấm được cất đi từ khi mùa đông năm ngoái kết thúc, nó bao giờ cũng vương mùi băng phiến thơm hăng. Ngoài sân lá khô reo lên những tiếng xào xạc, tôi sẽ một mình bày trò chơi trên chiếc sân nhỏ trước hiên nhà. Tưởng tượng mỗi chiếc lá là một đồng xu vàng xinh xắn, tôi thật giàu có khi xâu chúng vào chiếc que dài, tự bán tự mua và trả tiền bằng những “đồng tiền” ấy.
Rồi có những buổi chiều tôi theo chân lũ bạn trong xóm ra tận ngoài bờ đập giữa cánh đồng xa. Nơi đó có hàng cây phi lao xanh thẫm vi vút trong gió lạnh, tôi nhớ mình đã hân hoan khoác lên người chiếc áo bông chần cứng còng có cái tay rất dài mà thân thì ngắn cũn.
Chiếc áo ấm truyền từ thời anh chị đến tôi thì đã sờn khuỷu tay nhưng nó giúp tôi không bị ho, viêm phổi những khi nô nức chạy ngược chiều gió lạnh, đến độ mặt mũi đỏ ửng lên mỗi lần ra đồng quét lá về cho mẹ đun nấu mùa đông.
Lá khô rụng bây giờ với nhiều người là một nỗi phiền toái bởi phải gom lại rồi đem chất lên xe rác, nhiều quá thể nào cũng bị người chở rác cằn nhằn. Chẳng còn gian bếp đầy khói nào để cho chúng có chỗ cười reo tí tách và tỏa mùi thơm ấm áp.
Những ngày tháng đã cũ ấy, lá khô chưa bao giờ là thứ bị bỏ đi, nó là chất đốt quý giá cho những gian bếp nghèo bởi rất dễ nhóm lửa, cháy nỏ và có mùi khói nhẹ bẫng, thơm cực kỳ dễ chịu. Thảm lá vàng xào xạc trên sân sáng nay gợi nhớ trong tôi mùi khói lá ấm áp nồng nàn ấy suốt những tháng năm thơ ấu.
Tôi cũng không hiểu vì sao, ngày ấy làng tôi nhà ai cũng cấy rất nhiều ruộng mà vẫn thiếu rơm đun bếp, toàn phải đun rạ và lá khô. Chắc vì phải để dành rơm làm “lương thực” cho trâu ăn trong mùa đông giá rét cũng nên.
Sau giờ học trên lớp, lũ trẻ con chúng tôi thường rủ nhau ra hàng cây giữa đồng quét lá về đun. Ở đấy, ngoài dãy xà cừ cổ thụ trút lá ào ạt mỗi dịp vào hè thì hàng phi lao cao lớn luôn là chỗ đến lý tưởng cho chúng tôi, hàng cây ấy mỗi khi có gió về lại vi vút tấu lên những bản nhạc không lời.
Dãy phi lao giữa cánh đồng xa lúc nào cũng xanh ngắt, xanh suốt bốn mùa trong năm. Bóng mát của nó là chỗ nghỉ ngơi của người và trâu giữa buổi cày bừa vất vả. Giờ giải lao, đàn trâu được buộc vào gốc phi lao đứng lim dim, thi thoảng vẫy đuôi đuổi đàn ruồi hút màu bám trên lưng.
Hàng cây mọc trên bờ đập, đứng soi bóng xuống con mương lớn in dấu mây trời lồng lộng. Con mương dẫn nước thủy lợi cho cánh đồng với tôi khi đó rộng lớn như một con sông mênh mông, quanh năm đầy nước. Tôi dám chắc nếu thiếu hàng cây và “con sông” này, hẳn cánh đồng quê tôi sẽ bớt đẹp đi một chút, nó giống như một bức vẽ đã in sâu trong trí nhớ tôi đến tận hôm nay. Đến nỗi bây giờ thỉnh thoảng ngang qua cánh đồng làng, tôi vẫn cố gắng phác lại trong trí óc bức tranh ngày ấy bởi cảnh vật đã đổi thay đến độ khó có thể nhận ra.
Cảm nhận của tôi về đồng đất quê mình hồi ấy là vô cùng rộng lớn. Để đến được chỗ hàng cây ấy là rất xa xôi, tôi phải chạy mỏi chân mà vẫn chưa tới. Nhìn từ xa, hàng cây ấy là một dãy xanh rì nối dài tít tắp. Cây phi lao là họ lá kim nên những sợi lá nhỏ mọc thành chùm và cứng giống y như những chiếc kim dài cỡ gang tay có chứa tinh dầu, khi đốt cháy rất nỏ và thơm.
Dưới gốc cây, lá rụng trải xuống mặt đất một tấm thảm nâu trơn mượt và êm ái. Những quả phi lao khô già to bằng đầu ngón tay cái, giống như những quả thông bé tí rụng đầy mặt đất. Buổi chiều, tôi và lũ bạn cùng xóm mỗi đứa mang theo một cái bao tải, một cái chổi tre, loại chuyên để quét lá và đi ra đồng.
Đồng chiều vắng vẻ chỉ có đàn trâu, những người đi cày nỏ và đám trẻ quét lá như chúng tôi. Tôi thích nhất đứng dưới gốc cây để nghe gió hát không ngừng trên những chiếc lá hình kim rậm rạp, xanh và cứng như một chiếc que tăm dài, nhỏ xíu.
Chúng tôi dùng chổi gom lá khô thành từng đống nhỏ rồi nhét vào bao tải. Mấy đứa thân nhau sẽ đi thành nhóm, quét chung bao giờ tất cả đầy tải mới thôi. Có một lần lá ít quá, quét mãi không đầy, thằng Còi bạn tôi trèo lên cây bẻ những cành lá tươi cho chúng tôi nhét xuống dưới đáy tải rồi phủ lá khô lên trên. Phải “ngụy trang” thế kẻo mấy ông bảo vệ bắt được thì bố mẹ sẽ bị phạt trừ thóc ở đội sản xuất vì tội “phá hoại của công”, đứa nào đứa đấy cũng lo sợ nên tối mịt mới dám về. Lần ấy, tải lá đầy nhưng nặng quá, cả bọn ì ạch kéo lê đến rách cả bao tải mà vẫn chưa về đến nhà.
Thằng Còi làm thế vì muốn nhanh nhanh đi tát cá ở cái vũng nước chỗ gần con mương, ở đấy lũ cá rô đang quẫy lách chách trong vũng nước đang cạn. Nó lội xuống và nhanh chóng bắt được một xâu cá rô béo vàng. Tôi vẫn nhớ rõ tải lá đầy hôm ấy khi mang về nhà đã chẳng được bố mẹ khen mà còn bị mắng “dày mặt” vì tội bẻ cây của hợp tác xã.
Mùa đông trên cánh đồng thường nhiều gió nên thể nào chúng tôi cũng đốt lửa cho đỡ rét. Lửa thì thằng Còi chạy đi xin ở mấy đứa chăn trâu làm bùi nhùi rơm đã bén lửa mang từ nhà. Lá phi lao khô rất chóng bắt lửa nên khá dễ dàng để có ngay đống lửa lớn thơm và ấm.
Những quả phi lao khô sẽ để dành riêng đem đốt rồi bỏ vào ống bơ. Mùi khói lá thơm lùa vào mái tóc và quần áo làm chúng tôi ngồi bên nhau quên khuấy sương chiều đang buông nhanh trên cánh đồng tháng mười “chưa cười đã tối”. Những cái vỏ lon sữa bò hồi ấy thật ít ỏi và quý giá, chúng tôi phải đi xin mãi mới có rồi đục lỗ xỏ dây thép buộc thành cái quai xách bỏ vào mấy quả phi lao làm thành cái lò sưởi mang theo chống rét.
Chiều về lại cất giấu vào một chỗ, xếp đất cày lên trên, hôm sau lại lấy mang ra đốt sưởi tiếp. Đấy là những cái lò sưởi tuyệt diệu nhất. Có nhiều hôm chỉ vì chờ vài củ khoai chưa kịp chín trong đống lửa thơm lừng mà chúng tôi suýt muộn giờ về nhà.
Đường xa, chiều xuống rất nhanh, nhanh hơn những bước chân chạy gằn với chiếc bao tải đầy lá bị kéo lê trên mặt đất, chúng tôi mừng húm khi thấy phía trước là cây cầu xi măng trước cửa chùa làng. Lòng thấp thỏm mừng lo lẫn lộn khi thấy bóng dáng quen thuộc của người thân đứng bên cầu chờ đợi để giúp mang về tải lá nhỏ.
Sau này lớn lên tôi đã nghĩ hồi ấy mình thật là hạnh phúc, có lẽ những lam lũ ruộng đồng đã gieo vào trái tim nhỏ của tôi tình yêu và lòng biết ơn với thiên nhiên rộng lớn, với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
Thật lạ, như có phép màu, vài ngọn gió mang theo hơi may xao xác cũng đủ để đem tôi trở về những tháng năm xưa cũ. Cũng như sáng nay đứng trước khoảng sân đầy lá với cái lạnh đầu mùa, sợi khói mỏng manh bay lên từ đống lá nhỏ khiến tôi vơi đi nỗi muộn phiền, nỗi buồn ấy bỗng trở nên mong manh và tan trong gió như mùi khói lá thơm nồng của buổi chiều mùa đông nào đó đã xa thật là xa...