Dự báo một mùa đông ấm
Tình trạng ấm lên toàn cầu và ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino là những lý do chính dẫn đến dự báo mùa đông năm nay ấm và ngắn hơn.
Bình luận với hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 27/11, nhà khoa học khí hậu Mathew Barlow cho rằng, trên phạm vi toàn cầu, tháng 12/2023, tháng 1 và tháng 2/2024 sẽ ấm kỷ lục. Theo ông Barlow, mùa đông năm nay rất có thể là mùa đông ấm nhất được ghi nhận trong vòng 300 năm.
Tình trạng ấm lên toàn cầu và hiện tượng El Nino làm trầm trọng thêm tình trạng đó. Những năm có kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu hầu hết đều xuất hiện hiện tượng El Nino. Tháng 10 vừa qua là tháng nóng kỷ lục từ trước tới nay (so sánh theo tháng), ông Barlow dẫn nghiên cứu của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus EU, tính từ năm 1940.
Giáo sư Barlow cũng dự báo mùa đông sẽ ngày càng ngắn. “Tôi nghĩ ở hầu hết các nơi, mùa đông sẽ ngắn hơn. Nhiệt độ lạnh nhất sẽ bắt đầu muộn hơn và kết thúc sớm hơn một chút. Đó là một sự thay đổi buộc chúng ta phải thích nghi đối với hầu hết các khu vực trên Trái đất” - ông Barlow nói.
Trong một báo cáo khoa học về khí hậu, 50 nhà khoa học hàng đầu thế giới cảnh báo lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đật mức "cao nhất mọi thời đại" và đang đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu với tốc độ chưa từng thấy. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Earth System Science Data cho biết, các nhà khoa học tính toán rằng trong thập niên qua (2012 - 2021), trung bình mỗi năm có 54 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) được thải vào khí quyển, tương ứng khoảng 1.700 tấn/giây. Từ năm 2013 đến năm 2022, sự nóng lên của Trái đất do hoạt động của con người gây ra đã khiến nhiệt độ tăng thêm 0,2 độ C.
Giáo sư Vật lý Piers Forster (Đại học Leeds, Vương quốc Anh) - tác giả chính của báo cáo, nhấn mạnh nhiệt độ Trái đất dù chưa tăng thêm 1,5 độ C nhưng "điều đó đã đến rất gần".
Đồng tác giả báo cáo, bà Maisa Rojas Corradi - Bộ trưởng Môi trường Chile cho rằng, rất đáng tiếc là trong tình thế đó tốc độ và quy mô của hành động khí hậu là không đủ để hạn chế sự leo thang dần tới mức nguy hiểm.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, báo cáo về khoảng cách phát thải hàng năm mới công bố cho thấy Trái đất đang trên đà nóng lên một cách thảm khốc từ 2,5 độ C đến 2,9 độ C từ nay đến năm 2100. Nếu chỉ dựa vào các chính sách và nỗ lực cắt giảm khí thải hiện nay, Trái đất sẽ nóng thêm 3 độ C. Lượng khí thải toàn cầu tăng 1,2% trong 2 năm qua, chủ yếu do việc đốt nhiên liệu hóa thạch và các quy trình công nghiệp.
Theo nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Exeter và Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met), mục tiêu hạn chế trái đất nóng lên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp của Thỏa thuận chung Paris đang dần vuột khỏi tầm tay. Nếu vẫn duy trì mức xả thải như hiện nay thì nhiệt độ Trái đất có thể tăng lên tới 4 độ C vào cuối thế kỷ.
Giáo sư Richard Betts - người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết, đó không còn là sự “hoảng báo” mà đang dần thành sự thật. Nếu điều đó xảy ra, số ca tử vong có nguyên nhân trực tiếp từ nắng nóng ở Anh dự kiến sẽ tăng từ 2.000 người mỗi năm vào thời điểm hiện tại lên 7.200 người vào những năm 2050 và 12.800 người vào những năm 2080.
"Trái đất ấm lên trong khoảng từ 2 đến 4 độ C vào cuối thế kỷ này tùy thuộc vào tốc độ phát thải khí nhà kính và phản ứng của hệ thống khí hậu đối với lượng khí thải, khiến các hình thái thời tiết và hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra nhiều hơn, làm tăng thêm rủi ro đối với con người và đa dạng sinh học", báo cáo “Đánh giá rủi ro biến đổi khí hậu” của nhóm các nhà khoa học Anh nhấn mạnh.
Tiến sĩ Alex Burkill - nhà khí tượng học tại MET, cho biết khối không khí ấm hình thành ngoài khơi bờ biển phía tây châu Phi đã di chuyển về phía đông bắc qua châu Âu từ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, “bị áp suất cao trên Địa Trung Hải kéo vào”. Khối không khí này lan rộng sang Đan Mạch, Czech, gần như toàn bộ nước Đức, khiến nhiệt độ cuối tháng 11 tăng kỷ lục, vượt nền nhiệt cùng kỳ năm ngoái vốn được cho là một tháng đầu đông “ấm nhất mọi thời đại”. Cuối tháng 11 này nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở châu Âu vắng vẻ do không có tuyết. Trên đỉnh núi Jahorina gần Sarajeve, thủ đô Bosnia và Herzegovina, nơi tổ chức Thế vận hội mùa đông năm 1984, người ta đã phải đặt những cỗ máy làm tuyết để thu hút khách vì mùa cao điểm trượt tuyết trong năm đã đến.