Đánh thức và đừng để lãng quên
Những ngày gần đây, Bốt Hàng Đậu - nơi người dân Hà Nội vẫn gọi Tháp nước Hàng Đậu, trở thành điểm đến hút khách. Cảnh quan xung quanh cũng khang trang, lịch sự hơn và đáng yêu hơn. Việc “đánh thức” một công trình có tuổi đời 129 năm đã thực sự đem lại một suy nghĩ mới, một cách làm du lịch mới.
1.Cùng với Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên), hình thành dạng du lịch di sản công nghiệp ở Thủ đô, chẳng những khơi dậy tiềm năng của nhiều công trình có tuổi đời gắn liền với lịch sử chống Pháp và quá trình hình thành nền công nghiệp Việt Nam ở giai đoạn đầu, mà còn khơi dậy những giá trị lịch sử - văn hóa từng bị quên lãng. Khơi dậy một nếp sống văn hóa của người Hà Nội.
Hàng chiều, cánh người cao tuổi như chúng tôi, thường ra vườn hoa Hàng Đậu để tập thể dục. Nếu như trước đó sau mỗi lần tập thì chúng tôi ngồi nghỉ trên bậc thềm bao quanh vườn hoa. Nhìn sang bên kia đường chỉ thấy một bốt tròn tròn, cao 25 m, đường kính 19 m với màu sơn xi măng rất cổ điển, đứng trầm tư, ít người để ý.
Cả tuần qua, chúng tôi lại ngồi nghỉ trên bậc thềm nhưng chẳng ai bảo ai, tất cả đều hướng mắt nhìn về Bốt Hàng Đậu với tâm lý vui vui chen chút háo hức hiếm có ở người cao tuổi. Từ hôm Bốt Hàng Đậu được chỉnh trang bên trong và chiếu đèn thắp sáng thì “cái bốt” nín lặng, đứng im lìm che chắn cả ngã sáu chợt hấp dẫn hẳn. Đa phần là người trẻ, chủ yếu là người Hà Nội nhưng cũng có người từ địa phương khác tới và cả du khách người nước ngoài nữa. Hàng người trật tự xếp hàng ở bên vườn hoa Hàng Đậu rồi theo hướng dẫn đi sang đường để vào bên trong Bốt Hàng Đậu.
Ông Dũng là người đầu tiên lên tiếng: “Kể cũng hay. Một công trình tưởng như hoang phế bỗng trở thành một địa điểm du lịch”. Câu nói của ông Dũng phá tan không khí im lặng của chúng tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng, trước hết phải cảm ơn đơn vị đã lên ý tưởng và thực hiện việc tổ chức biến "hoang tích” Tháp nước Hàng Đậu thành “di tích”. Cách làm này không mới, nhất là với những nước phương Tây, nhưng với chúng ta thì mới và lạ. Mới là bởi việc này hầu như chưa được đề cập tới.
Ông Dũng lại bảo: “Đánh thức rồi nhưng đừng để nó lại ngủ lại”. Nỗi băn khoăn của ông Dũng đưa chúng tôi trở về thực tế, đó là xưa nay chúng ta thường “đánh thức” những di sản bị bỏ quên nhưng rồi một thời gian sau lại trở lại như cũ vì không đủ sức duy trì. Việc quên thì có nhiều lý do. Phần vì “dự án” đó được phê duyệt có “thời hạn”. Đấy, như được biết thì Bốt Hàng Đậu chỉnh trang và mở cửa đón du khách từ ngày 17/11 đến hết ngày 31/12 này. Không biết, sau đó Bốt Hàng Đậu sẽ có những dự án tiếp theo như thế nào hay lại tiếp tục đóng cửa? Đó là nỗi băn khoăn không chỉ của riêng chúng tôi.
“Vậy các ông già thân mến - Ông Vạn lên tiếng - Các ông có sáng kiến gì không?”. Mọi người im lặng, mỗi người chắc đang theo đuổi một sáng kiến nào đó.
Ông Tiến thủ thỉ nói: “Theo tôi thì vẫn nên duy trì hoạt động mở cửa đón khách vào tham quan. Dĩ nhiên với cách tổ chức như hiện nay thì chưa ổn lắm”. "Vì sao?” tôi hỏi lại. Ông Tiến bảo: “Cách làm như hiện nay là mở chỗ này nhưng cấm chỗ khác. Nó chưa hài hòa lợi ích của dự án với người dân nơi đây”.
2.Từ hôm khai trương mọi hoạt động thường nhật của người dân xung quanh khu vực Bốt Hàng Đậu bị đình trệ. Chỗ vườn hoa Hàng Đậu đúng là có sạch sẽ hơn, nhưng những người mưu sinh quanh vườn hoa Hàng Đậu và cả Bốt Hàng Đậu đều phải “nghỉ”. Cần phải có những cách làm hài hòa hơn.
Ông Vạn nói: “Theo ý tôi thì việc mở cửa cho khách vào trong bốt tham quan vẫn thường xuyên, cũng nên tính đến chuyện bán vé. Đặc biệt là bên trong không gian cao 3 tầng của tháp nước nên có những điều chỉnh bố trí, sắp đặt theo từng chủ đề hay theo từng thời gian. Như vậy khách vào tham quan sẽ không bị nhàm chán vì luôn thấy có sự mới lạ”.
Ông Tiến bổ sung: “Trên vỉa hè quanh bốt theo tôi cũng nên mở một vài kiot bán hàng lưu niệm. Tôi ở đây lâu năm nên thấy hàng ngày lượng du khách qua lại đây rất đông. Lợi thế của Bốt Hàng Đậu gần trung tâm thành phố, gần với nhiều công trình lâu năm như chợ Đồng Xuân, như cầu Long Biên. Xa hơn một chút là những danh thắng và di tích nổi tiếng. Khách du lịch người nước ngoài qua lại rất nhiều. Tôi thấy họ chỉ vội vã đi nhanh vì sợ bị cánh xích lô chèo kéo và quan trọng là chả có gì để xem, chả có gì để mua”.
Đúng là một ý hay và thêm nữa là vườn hoa Hàng Đậu lại đối diện với Bốt Hàng Đậu. Nên có sự kết hợp giữa hai địa điểm này. Ví dụ vỉa hè vườn hoa Hàng Đậu chỗ đối diện với Bốt Hàng Đậu khá rộng. Ngày thường chỗ đó là nơi xe 3 bánh dừng đỗ chờ người đến nhờ đi chuyên chở, là chỗ đỗ đón khách của cánh xe ôm, xe xích lô và vài bán hàng lặt vặt. Vị trí đó cũng có thể mở kiot bán đồ lưu niệm hay bán hoa cho du khách thì tuyệt với làm sao.
“Cũng nên cho dựng mấy cột bán hàng tự động, ví dụ bán nước đóng chai, ông Dũng bổ sung - Chuyện cho mở dịch vụ tự động thì hiện đã có đơn vị làm rồi. Họ mở dịch vụ xe đạp công cộng cũng vài tháng nay. Tôi thấy khá hiệu quả và chuyên nghiệp”.
“Đúng đấy - ông Vạn nói - Cả vườn hoa Hàng Đậu nữa. Mấy hôm vừa qua trong vườn hoa được bày đặt kiểu triển lãm nghệ thuật ngoài trời ấy. Rất sinh động, rất văn minh và quan trọng là trẻ em không hò hét đá bóng rồi vứt rác xuống đài phun nước. Nên thường xuyên tổ chức triển lãm công cộng ngoài trời. Tôi tin là sẽ thu hút các nghệ sĩ trẻ đến đây trưng bày và có nhiều người dân cũng như du khách đến xem”.
Hay đấy. Sự kết hợp giữa không gian văn hóa vườn hoa Hàng Đậu với sự sắp đặt bên trong Bốt Hàng Đậu cùng sự thuận tiện với xung quanh sẽ thu hút du khách. Người Hà Nội đang thiếu “sân chơi”, và điểm đến này sẽ trở thành không gian vui chơi của Hà Nội. Làm được như vậy thì sẽ chẳng tái diễn câu chuyện di sản được "đánh thức" rồi lại bị lãng quên.