Hàng trăm hộ dân lo triều cường "nuốt nhà"
Hàng trăm hộ dân sống tại khu vực gần cửa biển phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu vô cùng lo lắng trước tình trạng triều cường lên cao, gây ngập nhà, phá huỷ công trình giao thông, nhiều người phải thức trắng đêm "chạy" triều cường.
Thức trắng đêm vì sợ triều cường “nuốt nhà”
Từ đêm 27 đến rạng sáng 28/11, cả gia đình ông Nguyễn Dũng ở khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu phải thức trắng canh triều cường. Ông Dũng cùng vợ hì hục dùng tấm chắn, bao cát chặn tạm trước cửa nhà rồi cứ vậy ngồi chờ nước rút.
Ông Dũng cho biết, trong khoảng 2 năm trở lại đây, tình trạng triều cường lên cao xảy ra thường xuyên, nhất là vào khoảng tháng 10, 11. Do triều cường đều lên cao vào ban đêm, nước tràn vào nhà mang theo nhiều sình bùn, nên sáng nào vợ chồng ông cũng phải bỏ công ăn việc làm để tát nước, rửa bùn, vệ sinh nhà cửa.
“Nhà tôi chủ động xây cao mà con nước vừa rồi còn tràn vô tới nhà lớn. Mấy nhà kia có nhà ngập tới cửa sổ, đồ đạc dọn không kịp trôi lỉnh kỉnh, gây hư hỏng không biết bao nhiêu tài sản”, ông Dũng cho hay.
Nhiều người dân cho biết, triều cường bất thường xuất hiện vào đầu tháng 10 âm lịch, cường độ mạnh và thường xảy ra vào ban đêm nên rất khó lường.
Bà Trần Xi Ê, ở phường Nhà Mát cho biết, dù chủ động xây tường ngăn nước tràn vào nhà, nhưng do mực nước cao, căn nhà của bà lại là vùng trũng nên có đợt tràn vào ngập đến hơn 1m.
“Mấy đêm nay gia đình tôi có ngủ được đâu. Khi thấy nước dâng lên, tôi liền chạy đi tắt cầu dao điện, rồi kêu cả gia đình đi kiếm chỗ cao để trú. Tội nhất là mấy đứa nhỏ, đang ngủ ngon giấc thì bị đánh thức, nhìn tụi nó lập bập đi trong nước mà xót ruột" - bà Trần Xi Ê cho biết.
Theo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, trong khoảng 2 năm trở lại đây, hai khu dân cư ven kênh 30/4, đoạn từ cống Nhà Mát đến cầu Út Đen có nhiều điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở rất cao. Khu vực này cũng liên tục bị ngập úng mỗi đợt triều cường, có nhiều nhà dân bị nước ngập đến hơn 1m.
Tình trạng trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân thuộc các khóm Củi, khóm Chòm Xoài, khóm Nhà Mát và khóm Đầu Lộ A, thuộc phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Các hộ dân đã có những giải pháp ứng phó như: nâng nền nhà, xây tường ngăn nước tràn vào nhà, nhưng do mực nước cao, làm cho rất nhiều nhà dân, cũng như đường giao thông liên tục bị ngập mỗi đợt triều cường.
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết online, ông Lê Việt Xô- Phó Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu thông tin, thời gian qua, triều cường ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân phường Nhà Mát.
“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đã rà soát, thống kê lại hộ bị ảnh hưởng và tiếp tục kiến nghị Trung ương, tỉnh sớm đầu tư kè đảm bảo cuộc sống người dân. Song đó, chúng tôi cũng chỉ đạo ngành chức năng địa phương thông báo lịch triều cường dâng cao, đồng thời khảo sát, duy tu, bảo dưỡng các cống nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng như hiện nay" - ông Xô cho biết thêm.
Xây kè hơn 900 tỷ chống ngập
Trước đó, ông Lê Tấn Cận- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, thành phố Bạc Liêu cũng đã có buổi đi kiểm tra thực tế tình hình sạt lở khu vực bờ biển phường Nhà Mát và ngập úng hai bờ kênh 30/4 (đoạn từ cống Nhà Mát hướng ra biển).
Sau khi khảo sát thực địa, ông Lê Tấn Cận đã có buổi làm việc với các ngành chức năng để nghe báo cáo thực trạng, đề xuất các giải pháp xử lý chống sạt lở và ngập úng do triều cường tại khu vực trên.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng kè Nhà Mát, đoạn từ cầu Nhà Mát đến cống Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu). Theo đó, dự án có tổng chiều dài hơn 4,7km, cùng một số hạng mục, công trình phụ, với tổng mức đầu tư hơn 905 tỷ đồng.
Sau khi nghe báo cáo về dự án này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị, các sở, ngành và UBND thành phố Bạc Liêu khẩn trương rà soát các phương án, có hướng xử lý cấp bách chống sạt lở và triều cường, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân, bảo vệ an toàn cho công trình hạ tầng phục vụ dân sinh trong khu vực. Ngoài ra, xúc tiến các thủ tục, phương án đầu tư, đánh giá tác động môi trường... để dự án đầu tư xây dựng kè Nhà Mát sớm triển khai theo quy định.