Trong hơn 1 tuần, loạt nhà băng đã phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu
Một số ngân hàng như MSB, MB Bank, OCB, TP Bank... đã phát hành nhiều lô trái phiếu có giá trị hàng nghìn tỷ đồng trong tuần vừa qua.
Ngày 28/11/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Hàng hải Việt Nam - MSB và Ngân hàng TMCP Quân đội - MB Bank.
Cụ thể, ngân hàng MSB đã phát hành thành công lô trái phiếu MSBL2326003 với tổng giá trị phát hành là 1.500 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 5,8%/năm, có thể mua lại trước hạn và ngày đáo hạn là ngày 22/11/2026.
Cùng ngày, ngân hàng MB Bank cũng thông báo phát hành thành công lô trái phiếu MBBL2330006 trị giá 500 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, được phát hành ở thị trường trong nước với lãi suất thả nổi 6,93%/năm và đáo hạn vào ngày 17/11/2030.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Phương Đông - OCB đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để thông báo kết quả chào bán thành công 800 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 22/11/2023.
Theo đó, vào ngày 20/11/2023, ngân hàng này đã phát hành thành công khối lượng 800 trái phiếu trong lô trái phiếu OCBL2326013. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 6,1%/năm và được mua lại trước hạn nếu có nhu cầu.
Tiếp đó, trong ngày 23/11/2023, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - VIB cũng công bố thông tin phát hành thành công 1.210 tỷ đồng trái phiếu trong lô trái phiếu mã VIBL2330004.
Lô trái phiếu trên có kỳ hạn 7 năm, lãi suất kết hợp 8%/năm và được đáo hạn vào ngày 22/11/2030.
Đến ngày 24/11/2023, ngân hàng TMCP Tiên Phong cũng thông báo phát hành thành công hai lô trái phiếu mã TPBL2333005 và TPBL2333006 có tổng trị giá gần 390 tỷ đồng.
Hai lô trái phiếu trên có kỳ hạn 10 năm, được phát hành thành công vào ngày 17/11 và 20/11/2023 với lãi suất tương tự là 7,05%/năm.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tuần, loạt ngân hàng đã phát hành nhiều lô trái phiếu với tổng giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), quy mô toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp tính đến nay mới đạt khoảng 1,15 triệu tỷ đồng, chiếm gần 15% GDP cả nước và thấp hơn nhiều so với các quốc gia thuộc nhóm phát triển trong ASEAN như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP).
Hiện nay, vấn đề huy động vốn và phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng còn gặp nhiều khó khăn, giá trị phát hành trái phiếu liên tục giảm. Nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa "sôi động" chủ yếu do thời gian phê duyệt hồ sơ phát hành kéo dài, nhiều vướng mắc liên quan tới hồ sơ niêm yết...
Ngày 23/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1177/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thực tế cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp không chỉ giúp "nhẹ gánh" cho thị trường tiền tệ mà còn giúp đa dạng hóa dòng vốn cũng như nguồn lực hồi phục kinh tế. Nhiều chuyên gia nhận định, trái phiếu doanh nghiệp sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.