Kinh tế

Đảm bảo nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm

Hà An 29/11/2023 07:20

Đáp ứng nhu cầu về nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội cho biết, sẽ tập trung chỉ đạo chi cục chuyên ngành triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất theo kế hoạch năm, phòng chống dịch bệnh động vật, để đảm bảo sản xuất, chủ động cao nhất nguồn hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân Thủ đô.

anhbaiduoi(1).jpg
Nguồn cung hàng hóa dồi dào dịp cuối năm. Ảnh: H.An.

Theo thống kê, nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng thiết yếu của Hà Nội tương đối lớn. Cụ thể, gạo khoảng 96.700 tấn/tháng, thịt lợn 19.300 tấn/tháng, thịt bò 5.350 tấn/tháng, thịt gà 6.400 tấn/tháng, trứng gia cầm 129 triệu quả/tháng, thủy sản 19.250 tấn/tháng, thực phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản 5.350 tấn/tháng, rau củ 107.500 tấn/tháng và các loại quả khoảng 56.000 tấn/tháng. Đặc biệt, nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, như: Gạo, thịt, thủy sản, rau, củ, quả, trái cây, nông sản khô…

Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm cho 10 triệu dân, TP Hà Nội và Bộ NNPTNT đã ký kết Chương trình phối hợp về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Hà Nội hợp tác với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước để xây dựng, duy trì và phát triển 946 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn.

Đặc biệt, để việc kết nối đạt hiệu quả TP Hà Nội đã triển khai nhiều hội chợ để đưa hàng nông sản của Hà Nội cũng như của các địa phương đến tận tay người tiêu dùng. Đơn cử như mới đây đã diễn ra Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn Hà Nội năm 2023. Hội chợ thu hút 150 gian hàng của khoảng gần 100 đơn vị tham gia đến từ 20 tỉnh, thành phố, các quận, huyện, thị xã với nhiều chủng loại sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền, các sản phẩm OCOP của các địa phương như: Na Mộc Châu, tỏi một nhánh Sơn La, mực giã tay Quảng Ninh, trà shan tuyết Hà Giang, mật ong Hưng Yên…

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội có 453 chợ, trong đó có 2 chợ đầu mối và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối, lượng nông sản thực phẩm tại chợ cung ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ của nhân dân Thủ đô. Nguồn hàng nông sản thực phẩm cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố rất đa dạng.

Cũng theo bà Lan, công tác giao thương kết nối thường xuyên được đẩy mạnh nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ. Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra, giám sát được các đơn vị tăng cường thực hiện góp phần kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông tại chợ...

Cuối năm, mối quan tâm lớn của người dân là chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, yêu cầu khắc phục các vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. “Để đáp ứng nhu cầu về nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo chi cục chuyên ngành triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất theo kế hoạch năm, phòng chống dịch bệnh động vật, để đảm bảo sản xuất, chủ động cao nhất nguồn hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân Thủ đô” - ông Tường nhấn mạnh.

Hà An