Ủ bệnh từ ô nhiễm không khí
Liên tiếp nhiều ngày qua, chất lượng không khí tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc nằm ở ngưỡng xấu, rất xấu thậm chí có thời điểm ở mức nguy hại. Những đợt ô nhiễm không khí kéo dài có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí
Theo Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual), sáng 28/11, Hà Nội đứng thứ 4 trong danh sách 100 thành phố có chất lượng không khí thấp nhất thế giới với chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) lúc 7 giờ sáng 28/11 là 225 - ngưỡng rất xấu. Tính tới trưa cùng ngày, dù chỉ số AQI đã có những chuyển biến tích cực nhưng Hà Nội vẫn đứng thứ 6 trong danh sách nói trên.
TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Hà Nội nhiều năm qua, bởi các nguyên nhân như giao thông, công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dân sinh.
Cùng với đó, một vài địa phương khác tại phía Bắc cũng ghi nhận tình trạng tương tự, như Hà Nam có AQI là 185, Bắc Giang 163, Hải Phòng 153, đều nằm ở mức xấu.
Các chuyên gia phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến chất lượng không khí của Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc bị ô nhiễm. Trong đó 2 lý do chính đó là nguồn thải và thời tiết. Ở nguồn thải, chính khói bụi, khí thải từ các công trường xây dựng, phương tiện ô tô, xe máy và thói quen sinh hoạt, buôn bán, đốt than, rơm rạ của người dân là nguyên nhân tác động tới tình trạng ô nhiễm không khí.
Về nguyên nhân do thời tiết, các chuyên gia nhận định, miền Bắc hiện đang bước vào những ngày hanh, khô, ít gió nên lượng khí thải từ các nguồn thải thường xuyên bay lên bị “mắc kẹt” không thể phát tán hay bay hơi được, tạo ra hiện tượng nghịch nhiệt.
Sát thủ thầm lặng
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, ô nhiễm không khí ngoài trời gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm toàn thế giới. Có đến 30% ca tử vong do ung thư phổi là liên quan ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí cũng được xác định là nguyên nhân gây ra 25% các ca tử vong do đột quỵ não, bệnh lý tim mạch và 43% các ca tử vong do bệnh lý hô hấp. 4 nhóm bệnh nêu trên (đột quỵ, tim mạch, hô hấp, ung thư phổi) cũng luôn nằm trong top 10 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trên toàn thế giới nhiều thập kỷ qua. Đáng chú ý, ô nhiễm không khí ở Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi. Trong đó, bụi mịn PM2,5 được coi là sát thủ trong không khí.
TS Đỗ Mạnh Cường - Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, PM2.5 là loại bụi siêu mịn rất nguy hiểm. Ở các đô thị lớn như TPHCM, các loại bụi này hầu hết sinh ra từ khí thải giao thông (xe buýt, xe máy, ôtô). Khi nồng độ bụi mịn ngoài trời tăng lên, không khí sẽ có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Tình trạng này tương tự thời điểm độ ẩm cao hoặc sương mù.
“Không khí ô nhiễm có nhiều hạt bụi nhỏ, hạt càng nhỏ sẽ càng vào sâu. Những hạt bụi có kích thước nhỏ, đặc biệt PM2.5 có thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi, đường hô hấp trên, gây nên bệnh hô hấp. Về lâu dài, chúng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi, viêm phế quản mạn tính” - ông Cường cảnh báo.
Còn theo PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ô nhiễm không khí là căn nguyên phổ biến của nhiều bệnh và được xem như sát thủ thầm lặng, vì nó gây hại âm ỉ lâu dài, nên đa số người bệnh chủ quan, khó phát hiện bệnh sớm.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân, những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
Vệ sinh mũi, súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Với người hút thuốc lá nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Bộ Y tế khuyên thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra cần hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.