Xã hội

Quy hoạch chung mở 'tương lai' cho xứ Thanh phát triển

Đình Minh, Thu Hồng 29/11/2023 14:18

2 quyết định quy hoạch chung toàn tỉnh và quy hoạch riêng đô thị Thanh Hóa đã giúp xứ Thanh xác định được quan điểm, mục tiêu tổng quát, định hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, phát triển không gian lãnh thổ… để mở đường cho việc trở thành cực tăng trưởng mới trong tương lai.

Tỉnh thứ 4 được phê duyệt quy hoạch

Ngày 27/2, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy là sau Quảng Ninh, Bắc Giang và Hà Tĩnh, Thanh Hóa là địa phương thứ 4 trong cả nước được phê duyệt quy hoạch tỉnh.

tp-ben-bo.jpg
Thanh Hóa là địa phương thứ 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung toàn tỉnh.

Theo nội dung quyết định, việc quy hoạch sẽ đặt ra mục tiêu phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững, giữa phát triển hợp lý theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo; đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Về phương án phát triển đô thị, đến năm 2025, toàn tỉnh có 47 đô thị các loại; trong đó 1 thành phố là đô thị loại một (Đô thị Thanh Hoá, sáp nhập huyện Đông Sơn và TP Thanh Hoá); 2 đô thị loại III (TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn); 1 đô thị loại IV (thị xã Nghi Sơn); 43 đô thị loại V. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 47 đô thị; trong đó có một đô thị loại I (Đô thị Thanh Hoá); 2 đô thị loại III (TP Sầm Sơn, TP Nghi Sơn); 4 đô thị loại IV (huyện Hà Trung sáp nhập vào thị xã Bỉm Sơn; thành lập mới 3 thị xã gồm: Thị xã Thọ Xuân, Hoằng Hoá, Quảng Xương); 40 đô thị loại V. Trong giai đoạn này, tỉnh sẽ tập trung phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.

kkt-nghi-son.jpg
Khu kinh tế Nghi Sơn vẫn sẽ là động lực chính để Thanh Hóa vươn tầm, trở thành một cực trong tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Giai đoạn sau năm 2030, sẽ phát triển cửa khẩu quốc tế Na Mèo thành Khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện 8 khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt với tổng diện tích 1.424,2ha; phát triển mới 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.281,5ha. Giai đoạn sau năm 2030 gồm 126 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 5.893ha.

Tỉnh cũng phân bố không gian phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, truyền thống canh tác, chăn nuôi, đồng thời đề ra phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng tài nguyên; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cũng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, có sự liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị chế biến thực phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất.

quy-hoach.jpg
Đô thị Thanh Hóa sẽ bao gồm toàn bộ diện tích của TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn.

Sau khi quyết định quy hoạch chung được công bố, tiếp đó, đến ngày 17/3, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 259, phê duyệt quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040. Theo quyết định, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích của TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, với tổng diện tích khoảng 22.821 ha.

Quy hoạch đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển TP Thanh Hoá trở thành địa phương dẫn đầu tỉnh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là một trong những trung tâm lớn của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ; có kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, hướng tới thành phố thông minh, văn minh, hiện đại; là đô thị loại I với vai trò trung tâm tỉnh Thanh Hóa và vùng Bắc Trung bộ.

Định hướng cho tương lai

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh.

do-minh-tuan.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định, việc được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trong tương lai.

Trước hết, đây là quy hoạch tích hợp đầu tiên được ban hành theo phương pháp tiếp cận mới, với những nội dung hết sức quan trọng, bao gồm quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu, định hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, định hướng phát triển không gian lãnh thổ, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội…

Theo ông Đỗ Minh Tuấn, việc quy hoạch đã tạo ra khung pháp lý cao nhất, khái quát nhất, là “xương sống” để các ngành, các lĩnh vực của tỉnh phát triển. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh được phê duyệt, các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, các quy hoạch có tính chất chuyên ngành sẽ tiếp tục được rà soát, điều chỉnh hoặc lập mới để bảo đảm tính thống nhất, khoa học, bền vững, làm căn cứ để huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của quy hoạch.

trung-tam-hanh-chinh-tp-thanh-hoa.jpg
Trung tâm hành chính mới, một điểm nhấn tại TP Thanh Hóa.

Các quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển trong quy hoạch tỉnh đã thống nhất, đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; đồng thời, đã kế thừa đầy đủ, sáng tạo các quan điểm, định hướng phát triển của Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để sớm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỉnh đã và đang quán triệt các nội dung chính, cốt lõi của quy hoạch tỉnh đến tất cả các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, tiếp tục thông tin, truyền thông, đăng tải rộng rãi các điểm chính, cốt lõi của quy hoạch tỉnh để phổ biến, phổ cập đến các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, tạo cơ sở vững chắc để triển khai các bước tiếp theo.

trung-tam-tp-than-hhaos.jpg
TP Thanh Hóa sẽ được mở rộng trong tương lai, hướng đến mục tiêu trở thành đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung bộ.

Cùng với đó, tỉnh sẽ xác định rõ nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành, có lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể gắn với từng sản phẩm cụ thể, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến với tỉnh; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ phát triển để huy động hiệu quả các nguồn lực.

Đình Minh, Thu Hồng