Văn hóa

20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể: Việt Nam là thành viên tích cực, trách nhiệm

Duy Hưng 29/11/2023 14:18

Ngày 29/11, đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, đại diện nhiều cộng đồng trên cả nước cùng hội tụ tại TP Nam Định (tỉnh Nam Định) tham gia Hội nghị - Hội thảo Thực hành di sản Kỷ niệm 20 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003-2023); đánh giá hiệu quả thực hiện Công ước đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Hoạt động do Bộ VHTT&DL; UBND tỉnh Nam Định phối hợp tổ chức.

z4925564030509_75bc8bf59f7387eb23cffd31f7ed3c84.jpg
Diễn đàn được tổ chức sáng ngày 29/11 tại tỉnh Nam Định.

Tại diễn đàn, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTT&DL) cho biết, Công uớc về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua năm 2003. Việt Nam tham gia Công ước 2 năm sau đó, là một trong 30 quốc gia đầu tiên tham gia.

Công ước quy định nhiều nội dung như: xác định các biểu hiện văn hóa là DSVHPVT; phân loại DSVHPVT; vai trò, sự tham gia của cộng đồng chủ thể và các quốc gia vào hoạt động bảo vệ DSVHPVT; kiểm kê DSVHPVT; các Danh sách và việc ghi danh di sản vào các Danh sách, các báo cáo; bảo vệ DSVHPVT ở cấp quốc gia và quốc tế; hợp tác và hỗ trợ quốc tế, quỹ quốc tế bảo vệ DSVHPVT và nhiều nội dung quan trọng khác.

“Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của Công ước tại Việt Nam”, bà Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

z4925564643322_9e6e611939e2dbe17ae9f91d306b5e8e.jpg
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTT&DL) phát biểu tại diễn đàn.

Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đưa nội dung về DSVHPVT vào Luật Di sản văn hóa (2001, 2009). Nhiều nội dung về DSVHPVT đã được đưa vào Luật. Luật Di sản văn hóa dành riêng một chương về bảo vệ DSVHPVT.

Tinh thần, nội dung của Công ước 2003 hiện đang được duy trì và tiếp tục được hoàn thiện, lồng ghép và bổ sung trong các quy định của Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa và pháp luật liên quan.

Việt Nam trở thành thành viên Ủy ban Liên chính phủ Công ước nhiệm kỳ 2006 - 2010; đến năm 2017, Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Thẩm định, Công ước 2003 nhiệm kỳ 2017-2020. Ngày 6/7/2022 Việt Nam tiếp tục trúng cử Thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về Bảo vệ DSVHPVT nhiệm kỳ 2022 - 2026.

Đến nay, sau 18 năm tham gia Công ước, Việt Nam đã có 15 DSVHPVT được Ủy ban ghi danh vào Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại và Danh sách DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp. Trong đó, tại Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ DSVHPVT của UNESCO, tổ chức tại Addis Ababa - Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia - ngày 1/12/2016 đã ra Nghị quyết, chính thức ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vào danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại, cần được bảo vệ.

Kể từ khi Luật Di sản văn hóa ra đời năm 2001, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về DSVHPVT, trong đó có các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, liên quan mật thiết như: Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổ, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL quy định việc kiểm kê DSVHPVT và lập hồ sơ khoa học DSVHPVT để đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia; Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực DSVHPVT; Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Tính đến nay, Việt Nam đã có gần 7 vạn DSVHPVT đã được kiểm kê; 498 di sản đã được Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia; 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú"…

Các DSVHPVT được thực hành, sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn đã trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng cư dân tại địa phương.

“Với nỗ lực không ngừng, trách nhiệm và tình yêu của nghệ nhân, cộng đồng thực hành di sản, chính quyền các cấp và xã hội đối với DSVHPVT; thông qua việc tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 của UNESCO, Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ DSVHPVT của nhân loại; góp phần vào nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế”, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa nhấn mạnh.

z4925564635324_e94fcaca9ce9c643c160b61d9e952231.jpg
PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia chia sẻ tại diễn đàn.

Tuy nhiên, tại diễn đàn, đại diện Cục di sản văn hóa và một số đại biểu tham dự cũng nêu một số tồn tại, bất cập trong việc thực hành, bảo vệ DSVHPVT, trong đó lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản tại các địa phương còn ít, chưa đồng đều; các chủ thể nắm giữ và thực hành di sản phần lớn tuổi đã cao; việc vinh danh các nghệ nhân có nhiều đóng góp chưa kịp thời; sau khi được UNESCO ghi danh, một số cơ quan, đơn vị không có chức năng quản lý, nghiên cứu về di sản cũng đứng ra tổ chức các hoạt động vinh danh, phát bằng chứng nhận không đúng thẩm quyền, không theo luật...

Tệ hơn, với mục đích thương mại, trục lợi nhiều nơi còn tổ chức “liên hoan hầu đồng” trên sân khấu hoặc trong các không gian ngoài đền phủ, trong khi hầu đồng là nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, chỉ có thể diễn ra trong các không gian thiêng, không gian tâm linh đền, phủ…

Để tiếp tục thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa, Công ước 2003 và vai trò là Ủy viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003, tại diễn đàn, các đại biểu kiến nghị thời gian tới Việt Nam cần tích cực và tiếp tục thực hiện các hoạt động thúc đẩy các mục tiêu của Công ước 2003, đưa ra sự tin cậy về các thực hành tốt, đưa ra khuyến nghị về các biện pháp, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của việc ghi danh, đồng thời thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong việc bảo vệ DSVHPVT.

z4925564366859_b41ab8fee36f2d3afb22da62088f0609.jpg
Diễn đàn quy tự nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu, đại diện các cộng đồng thực hành di sản.

Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về di sản văn hóa, trong đó nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, chiến lược, dự án bảo vệ, phát huy giá trị DSVHPVT.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cộng đồng, các chủ thể của di sản hiểu đúng, đầy đủ giá trị, bản sắc của di sản.

Đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động tôn vinh; khen thưởng đối với các cá nhân có nhiều đóng góp trong bảo vệ, phát huy giá trị của di sản.

Thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những tổ chức không có chức năng, nhiệm vụ nhưng vẫn tổ chức các hoạt động tôn vinh, khen thưởng liên quan đến lĩnh vực DSVHPVT với mục đích trục lợi.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT tại cộng đồng nhằm phát huy nguồn lực, vai trò chủ động của nhân dân, cộng đồng trong các hoạt động thực hành di sản.

Duy Hưng