Hậu Giang: Khi Hội phụ nữ vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Nhận thấy Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là hai trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Châu Thành, Hậu Giang đã có nhiều cách làm sáng tạo thực hiện mô hình tiết kiệm để vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Từ những mô hình tưởng như rất nhỏ song đã góp phần vận động hàng nghìn người tham gia vào lưới an sinh xã hội. Đáng ghi nhận thông qua mô hình này, nhận thức của người dân về chính sách BHXH thực sự thay đổi.
Mỗi hội viên là một tuyên truyền viên
Để đạt được mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ vận động tham gia 1.160 tham gia BHXH tự nguyện và 3.135 người tham gia BHYT hộ gia đình trong thời gian qua Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Châu Thành, Hậu Giang đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Trong đó công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện BHXH tự nguyện,BHYT được tổ chức thường xuyên, gắn với sinh hoạt tại các câu lạc bộ, tổ nhóm; group zalo của hệ thống Hội, trang zalo, facebook cá nhân của cán bộ Hội, đặc biệt thông qua các đợt truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông tại hộ gia đình,… với các hình thức tuyên truyền đa dạng đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư trong tham gia BHXH tự nguyện BHYT hộ gia đình.
Đặc biệt nhằm tăng cường vận động hội viên, phụ nữ, người dân cùng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT Hội LHPN huyện đã thực hiện nhiều mô hình mang lại những kết quả tích cực. Trong đó điển hình là các câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ tiết kiệm mua BHYT, BHXH tự nguyện”; “Phụ nữ tương trợ mua BHYT”, “Tổ Phụ nữ gây quỹ tiết kiệm mua BHYT”, “Ống heo tiết kiệm mua bảo hiểm xã hội tự nguyện”, phối hợp thực hiện mô hình “Bảo hiểm xanh” đổi rác thải nhựa lấy BHYT với mục tiêu vừa tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, vừa tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT toàn dân.
Đánh giá hiệu quả từ mô hình đem lại, bà Nguyễn Thị Cẩm Chân - Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành cho biết, việc triển khai mô hình đã thực sự đem lại kết quả bởi thông qua thực hiện mô hình các hội viên gắn kết hơn và hiểu được giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT đem lại trong cuộc sống hằng ngày. “Khi các hội viên hiểu được giá trị của chính sách không chỉ bản thân tham gia mà còn vận động người nhà, người thân, bạn bè đồng nghiệp tham gia. Từ đó lan tỏa phong trào vận động cùng tham gia BHXH để đảm bảo cuộc sống khi về già được chăm sóc tốt hơn. Đây cũng là giải pháp góp phần đảm bảo lưới an sinh xã hội tại địa phương”, bà Nguyễn Thị Cẩm Châu chia sẻ.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Cẩm Châu, trong những lần CLB sinh hoạt đã tuyên truyền những chính sách liên quan đến BHYT, BHXH tự nguyện, đồng thời hướng dẫn người dân tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT. Nhờ đó, khi thẻ gần hết hạn, mọi người chủ động tái tục, để thẻ được liên tục.
Hiện nay toàn huyện có trên 58 câu lạc bộ, tổ, nhóm với hơn 500 hội viên tham gia các mô hình trên. Bên cạnh việc phát huy nội lực trong hội viên phụ nữ để trao những thẻ BHYT, Hội LHPN các cấp còn vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh tặng thẻ BHYT, cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm từ các hình thức trên, các cấp Hội đã vận động hơn 100 BHYT cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, từ đó cũng góp phần nâng cao tỷ lệ người tham gia BHYT của huyện.
Hiệu quả từ mô hình : Ống heo tiết kiệm mua BHXH tự nguyện
Cùng với Hội LHPN huyện, thời gian qua Hội LHPN Thị trấn Ngã Sáu cũng có nhiều sáng tạo trong quá trình vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Theo đó, Hội LHP thị trấn đã thành lập mô hình “Phụ nữ tiết kiệm mua BHYT”; Mô hình “Ống heo tiết kiệm mua BHXH tự nguyện”
Để thực hiện mô hình thành công, bà Huỳnh Thị Thúy - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, cho biết, Hội LHPN thị trấn đặt ra các chỉ tiêu cụ thể, hướng dẫn các chi Hội phương pháp, cách thức xây dựng, thực hiện mô hình. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật BHXH- BHYT. Hàng năm Hội Phụ nữ phối hợp chặt chẽ với các ngành tổ chức các buổi truyền thông về chính sách về bảo hiểm xã hội tự nguyện, BHYT gia đình tại các chi hội các ấp. Từ đó, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu hơn về quyền, lợi ích, tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; Hội phụ nữ phát động hội viên phụ nữ tham gia các mô hình với phương châm “tiết kiệm khi lành, để dành khi đau”, phong trào “Phụ nữ tiết kiệm mua BHYT”; “Ống heo tiết kiệm mua BHXH tự nguyện”.
“Với mô hình “ống heo tiết kiệm mua BHXH tự nguyện”, được thành lập với số lượng thành viên từ 20- 30 người, mức tiết kiệm bỏ vào ống heo mỗi ngày 10.000đ cho một người tham gia BHXH (nếu hộ gia đình 3 người thì mỗi ngày bỏ vào ống heo 30 nghìn đồng) thì sau 30 ngày thì đủ đóng BHXH cho 3 người. Hiện nay có tổ đã vận động phát triển trên 60 người tham gia”, bà Huỳnh Thị Thúy cho biết.
Cũng theo bà Huỳnh Thị Thúy, tùy vào điều kiện từng ấp, từng tổ có mức bỏ ống heo cho phù hợp. " Nếu các hội viên làm nghề đan lục bình thì sẽ bỏ ống heo hàng tuần, mỗi tuần 70 nghìn đồng sau 30 ngày là đủ tiền tham gia BHXH. Hiện nay thị trấn có 4 tổ “ống heo tiết kiệm mua BHXH tự nguyện”, có 189 người tham gia BHXH tự nguyện", Bà Thúy cho biết.
Nhờ triển khai mô hình trên, trong năm 2023 Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn mua 1.785 thẻ BHYT, góp phần cùng Đảng bộ Thị trấn thực hiện được 9.883 người tham gia BHYT, đạt 93,86% (đạt 100,06% so Nghị quyết). Cùng với đó, vận động mua mới được 62 sổ BHXH, tiếp tục vận động duy trì 127 sổ BHXH, nâng tổng số có 189 người tham gia BHXH, góp phần cùng Đảng bộ thị trấn thực hiện được 508/505 người tham gia BHXH, đạt 100,59% so với Nghị quyết.
Dù đã đạt được kết quả trên nhưng theo bà Huỳnh Thị Thúy để mô hình lan tỏa và đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới Hội sẽ rà soát, thống kê số hội viên phụ nữ đã mua thẻ nhưng sắp hết hạn để vận động mọi người, tiếp tục tham gia BHYT. Tăng cường phối hợp với các ngành BHXH, Y tế để truyền thông các chính sách mới về BHXH- BHYT, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm mua BHYT không bị gián đoạn, bảo đảm quyền lợi cho chị em khi khám, chữa bệnh, từ đó, duy trì tỷ lệ người dân, hội viên phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn.