Sử dụng thuốc an toàn trong nông nghiệp
Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) không chỉ tạo ra những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ sức khoẻ người dân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Cần cuộc cách mạng để phân hữu cơ thay thế vô cơ
GS.TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trung bình hàng năm Việt Nam sử dụng từ 7,5-8 triệu tấn phân bón vô cơ, trong khi đó phân bón hữu cơ vẫn còn thấp, chỉ 2,5-2,6 triệu tấn/năm.
Theo tính toán của ông Bộ, mỗi năm ngành trồng trọt cần khoảng 150 triệu tấn phân hữu cơ các loại với mức bón khoảng 10 tấn/ha/năm. Hiện nay, khối lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp mới đạt trên 2,6 triệu tấn. Nếu các nhà máy hiện có vận hành hết công suất, cùng với khối lượng phân hữu cơ do người dân hiện đang sản xuất, khoảng 17 triệu tấn cũng mới chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu phân bón hữu cơ. “Việt Nam đang lãng phí một nguồn nguyên liệu có thể sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao là chất thải chăn nuôi” - ông Bộ đánh giá.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp nhiệt đới cho hay, riêng trong lĩnh vực trồng trọt, hiện nay, cả nước có hàng trăm cơ sở sản xuất NNHC. Bến Tre hiện là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ nhiều nhất nước với hơn 3.000ha. Ninh Thuận là tỉnh có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ nhiều nhất khu vực Nam Trung Bộ với gần 500ha cây ăn trái như nho, táo. Ngoài ra, đã có một số địa phương sản xuất NNHC được tổ chức nước ngoài chứng nhận như: Lào Cai, Hà Giang được Tổ chức chứng nhận ATC của Thái Lan; tiêu chuẩn EU, USDA của Mỹ công nhận; Cà Mau, Lâm Ðồng được Tổ chức chứng nhận Control Union của Hà Lan, tiêu chuẩn EU, USDA công nhận. Tổng diện tích đã được các tổ chức nước ngoài chứng nhận trong cả nước khoảng gần 1.000ha.
Để phát triển NNHC vừa đảm bảo tính bền vững, ông Nghĩa cho rằng, cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho sản xuất NNHC như quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, ưu đãi cho thuê đất. “Yếu tố thị trường có vai trò quan trọng trong phát triển NNHC. Vì vậy, các bộ, ngành nên quan tâm, tìm hiểu thị trường tiềm năng giúp doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu và mở rộng thị trường” - ông Nghĩa nói.
Quyết liệt trong quản lý
Ông Nguyễn Văn Sơn - Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ Thực vật Việt Nam (VIPA) cho biết, thời gian qua, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học, phân bón vô cơ, các chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng… trong sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi ở mức đáng cảnh báo. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây ô nhiễm môi trường...
Nhằm khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo VIPA đề nghị phải quyết liệt rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký, sử dụng các thuốc BVTV sinh học và thuốc BVTV thế hệ mới an toàn với người sử dụng và môi trường.
Ông Sơn nhận định, hiện nay, thuốc sinh học chưa thể thay thế hoàn toàn thuốc hóa học, vì vậy các cơ quan nghiên cứu cũng nên phối hợp với các doanh nghiệp nghiên cứu cách sử dụng hài hòa thuốc BVTV hóa học và thuốc BVTV sinh học. Đối với các cấp chính quyền, cơ quan quản lý thuốc BVTV, các doanh nghiệp, cần đẩy mạnh việc hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất nông sản sạch, an toàn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, đồng thời sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học thay thế các thuốc BVTV hóa học.
Ông Lê Văn Thiệt - Cục Phó Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành BVTV đã phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp với nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất theo hướng phát triển giá trị cho sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học.
“Bên cạnh việc chờ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, các đơn vị liên quan cần tuyên truyền cho nhà sản xuất sử dụng thuốc BVTV, phân bón đúng quy cách. Đồng thời, tăng cường các biện pháp hỗ trợ mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông sản Việt Nam và truy xuất nguồn gốc, tăng giá trị và uy tín của nông sản Việt” - ông Thiệt gợi ý.