Hỗ trợ người lao động
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cứ 2 người mới tham gia lại có 1 người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội. Trước năm 2019, số rút bảo hiểm bình quân một năm khoảng 500 nghìn người, đến hết tháng 10/2023, con số này là gần 900 nghìn người, tăng gần 30% so với năm 2022.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, hiện số người tham gia BHXH một lần khoảng 17,5 triệu người (số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng hơn 16 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,5 triệu người). Giai đoạn 2016-2022, cả nước có hơn 4,9 triệu lượt người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 10%/năm. Riêng trong năm 2022, số trường hợp được giải quyết chế độ hưởng BHXH một lần là gần 1 triệu người. Từ đầu năm 2023 đến nay, số người nhận BHXH một lần tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trăn trở về vấn đề này, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không giảm, có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, không có quốc gia nào cơ chế rút bảo hiểm một lần dễ như Việt Nam. Thông lệ quốc tế chỉ cho rút chủ yếu trong 2 trường hợp: Khi mắc bệnh nan y và đối tượng chuyển sang định cư ở nước ngoài. Còn ở Việt Nam, rút tự do.
Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), rút bảo hiểm là bất đắc dĩ và là nguyện vọng của người đóng cần được tôn trọng. ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn TPHCM) cho rằng cần làm rõ việc quyền lợi để người lao động an tâm hơn, suy nghĩ lại khi muốn rút BHXH một lần.
Ai cũng biết rút BHXH một lần có thể giải quyết được phần nào khó khăn trước mắt, nhưng lâu dài sẽ gặp rủi ro, nhất là khi tuổi cao, khó khăn trong công việc, không có nguồn thu nhập. Nhưng số người lao động rút BHXH một lần vẫn tăng. Ở đây, không chỉ giải thích, tuyên truyền, vận động là đủ, mà cần phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân cơ bản của tình trạng này, từ đó có giải pháp căn cơ và có chính sách đồng bộ về BHXH nói chung.
Theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, cải thiện đời sống người lao động là nguyên nhân sâu xa nhất và nếu làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người lao động hiểu rõ thì mức độ sẽ không nhiều như vừa qua.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang), cần giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH bằng các lợi ích, thay vì tìm cách hạn chế. Ông Thịnh cho rằng, khi làm luật thì nên đặt mình vào vị trí của người lao động. “Chúng ta sẽ hấp dẫn được người lao động bằng các lợi ích chứ không nên giữ chân người lao động tham gia BHXH bằng các hạn chế" - ông Thịnh nói.
Đứng trước thực tế nhiều người lao động rút BHXH một lần, tại Công văn ngày 13/11/2023, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với BHXH Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng nợ lương, nợ BHXH, tự ý cắt giảm lao động. Đặc biệt, có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để người lao động đã giải quyết chế độ bảo hiểm một lần quay trở lại đóng BHXH.
Vẫn biết rằng khi người lao động có việc làm ổn định, thu nhập khá thì cũng không ai nghĩ tới rút BHXH một lần. Vấn đề là trong bối cảnh sản xuất cũng như đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, cùng với việc sửa đổi quy định về chế độ bảo hiểm thì rất cần hỗ trợ trước mắt cho người lao động, để họ không phải tìm đến tín dụng đen cũng như không phải rời khỏi hệ thống bảo hiểm để phải chịu rất nhiều thiệt thòi về sau.
Một trong những giải pháp cấp bách và cần thiết, nói như ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thì cần xây dựng một hệ thống tín dụng dành cho công nhân lao động. Hiện nay, hệ thống tín dụng này chưa có, người lao động muốn vay vốn theo diện hộ nghèo cũng rất khó tiếp cận.
“Để đảm bảo quyền lợi của người lao động thì hỗ trợ tài chính trong lúc cấp bách là biện pháp hữu hiệu để họ khoan nghĩ đến rút BHXH một lần và không thành nạn nhân của tín dụng đen" - ông Hiểu nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi đợi sửa luật, thì việc cấp bách là giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH bằng cách hỗ trợ các lợi ích cụ thể. Cùng đó là “nới” chính sách, giảm bớt thủ tục để người lao động được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất thấp, cũng như sớm xây dựng hệ thống tín dụng dành cho người lao động.
Nếu như người lao động vẫn phải “tự bơi” thì việc rút BHXH một lần như “phong trào” vẫn không thể dừng lại.
Và đó là điều không ai muốn.