Di tích nguy cơ thành phế tích
Do xuống cấp, năm 2021 đình làng Chuế Cầu (xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) được hạ giải để trùng tu. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn chỉ là một mớ bề bộn, có nguy cơ trở thành phế tích.
Ngôi đình có giá trị văn hóa
Đình Chuế Cầu được xây dựng từ năm 1894 (dưới triều nhà Nguyễn). Đình thờ hai vị tôn thần là Quí Minh Hoả Quang được sắc phong Tông Bạt Đại Vương và Trịnh Uyến Quang Diệu, được sắc phong Thượng đẳng tôn thân Phương Dung công chúa, Dực bảo Trung hưng. Đình được dựng theo hướng từ Đông sang Tây.
Những bậc cao niên trong làng cho biết: Cổng đình trước kia được xây dựng gồm có 3 cửa, một cửa chính và 2 cửa phụ. Đến năm 1961, do bị hư hỏng nặng, đình được nhân dân trùng tu, xây cổng lại trên nền móng cũ, nhưng không theo kiến trúc cũ, mà xây một cửa như bây giờ. Đình được thiết kế 5 gian, 24 cột gỗ (8 cột cái, 16 cột quân), 6 vì kèo kết cấu đối xứng, gắn kết giữa cột cái và cột quân là hệ thống xà nách, tất cả đều không xoi gờ chỉ. Toàn bộ khung gỗ của đình được làm bằng gỗ lim. Các hiện vật còn lại bao gồm: 5 bát hương sứ, 1 mâm bồng, 4 ống hương, hoa, 3 đài chén và 2 chân nến.
Có thể thấy, đây là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị trên nhiều phương diện, là nơi thờ thành hoàng làng và trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tổ chức lễ hội của nhân dân địa phương. Với những giá trị kiến trúc nghệ thuật, đến năm 2010, đình Chuế Cầu được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Tuy nhiên, đến nay đình Chuế Cầu gần như trở thành một phế tích ngổn ngang, hoang tàn sau khi được chính quyền xã và các cơ quan ngành văn hóa hạ giải để trùng tu.
Được biết, sau khi đình được hạ giải vào năm 2021 và xây dựng lại trong năm 2022, khối lượng công việc duy nhất mà chủ đầu tư làm được là khu nhà tiền đường rộng 5 gian, với tường bao và hàng cột hiên được xây trát bằng xi măng không được sơn hay vôi ve. Bên trong gian thờ, các hạng mục như rui, mè, đòn tay, xà, kèo và thượng lương được làm bằng các loại gỗ như xoan, keo... đã nhanh chóng nứt toác do thời tiết; men theo các bờ cổ tường áp mái là nham nhở những vết hồ vữa được thợ xây đắp cẩu thả; 2 bức tường đầu hồi đã xuất hiện hai vết nứt lớn kéo dài từ đỉnh xuống chân tường. Phía ngoài sân đình là một đống lớn gạch lát cũ, được xã tận dụng, đưa từ nơi khác về để lát sân. Bà Hán Thị Thoại (82 tuổi) - người đã làm thủ từ của đình Chuế Cầu suốt 25 năm qua cho biết: “Chả hiểu họ làm kiểu gì mà trời mưa cũng dột, ngày nắng cũng dột, cột kèo, bờ tường nứt hoác hết cả”.
Sai ngay từ đầu?
Ông Nguyễn Văn Long - Bí thư Đảng ủy xã Yến Sơn cho biết: Năm 2019, UBND xã đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các cơ quan chức năng, xin được lập dự án tôn tạo cấp thiết đối với những hạng mục đã bị hư hỏng nghiêm trọng tại nhà đại đình. Tổng kinh phí cho các hạng mục là 375 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh 300 triệu đồng, còn lại là huy động xã hội hóa. Sau khi được chấp thuận chủ trương, UBND xã Yến Sơn đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng, nhà thầu tiến hành hạ giải và dựng lại nhà đại đình như đã nêu ở trên.
Tuy nhiên, sau khi hạ giải đánh giá cấu kiện, toàn bộ hệ khung, cột, vì kèo, xà liên kết bằng gỗ của đại đình đã hư hỏng nặng nề cần phải thay thế. Trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng hạ giải di tích, UBND xã Yên Sơn đã chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát, xác định lại khối lượng cấu kiện kiến trúc gỗ của di tích cần phải thay thế dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án tăng khoảng 983 triệu đồng so với chủ trương được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt trước đó.
Đến ngày 26/1/2022, UBND huyện Hà Trung đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án gồm tất cả các hạng mục lên hơn 1,3 tỷ đồng (vốn ngân sách tỉnh là 300 triệu đồng, còn lại là lấy từ vốn ngân sách của xã, vốn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác). “Do vướng các thủ tục hành chính nên đến nay, tỉnh vẫn chưa chấp thuận đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, dẫn đến thực tế là các hạng mục còn lại của đình chưa thể tiến hành tôn tạo. Phải chờ khi nào được tỉnh phê duyệt chủ trương điều chỉnh mới có thể làm tiếp”- ông Long nói.
Theo bà Phan Thị Lan - Trưởng Phòng VHTTDL, UBND huyện Hà Trung, nguyên nhân dẫn đến sự ngổn ngang của đình Chuế Cầu như hiện nay và phải điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án là do di tích được cơ quan có thẩm quyền thẩm định cho phép tu sửa cấp thiết nhưng chủ đầu tư không thực hiện quy trình tu sửa cấp thiết theo quy định của pháp luật, mà tháo dỡ hoàn toàn để tu bổ, tôn tạo. Như vậy là không đúng với quy định.
“Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với Phòng KTHT tham mưu cho lãnh đạo cũng như gửi văn bản đôn đốc phía chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để trình UBND tỉnh và các sở ngành liên quan nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn đang vướng nhiều các thủ tục” - bà Lan cho biết thêm.