Đảm bảo an cư cho người dân vùng sạt lở
Thanh Hóa là một trong những 'cái rốn' thiên tai của cả nước. Sau mỗi thảm họa, không ít người dân lâm cảnh màn trời chiếu đất, nhu cầu an cư lúc này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thấu hiểu điều đó, chính quyền tỉnh này đã ra nhiều phương án để giúp người dân vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.
Hồi sinh những bản làng
Thanh Hóa có 11 huyện vùng cao với 7 dân tộc sinh sống nhiều đời dưới những cánh rừng, ngọn núi. Do địa hình có độ dốc lớn, bề mặt bị chia cắt mạnh, tầng phủ mỏng, kết cấu rời rạc nên khu vực này rất dễ bị sạt lở khi có mưa lớn.
Cùng với đó, do quá trình xây dựng thủy điện đã ngăn sông bạt núi, khiến dòng chảy của những con sông lớn thay đổi. Ngoài ra, với việc xây dựng các công trình hạ tầng ngày một nhiều đã tác động lớn đến kết cấu địa chất… Tất cả nguyên nhân này lý giải cho hiện tượng sạt đất, lũ ống, lũ quét xảy ra trên vùng cao xứ Thanh ngày một nhiều.
Hầu như năm nào, khu vực miền núi xứ Thanh cũng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đặc biệt, trong hai năm 2018 và 2019, Thanh Hóa hứng chịu nhiều trận lũ ống, lũ quét và sạt lở đất vô cùng nghiêm trọng khiến hàng chục người chết và mất tích, hàng ngàn hộ dân phải di dời khẩn cấp. Những cái tên Sa Ná, bản Poọng - gắn với thảm họa thiên tai ngày ấy - mãi ghi dấu trong lòng người dân xứ Thanh và cả nước với những nỗi đau không thể nguôi ngoai…
Vào tháng 9 năm 2018, một trận lở đất lớn bất ngờ ập xuống bản Pọong, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Chỉ trong phút chốc, những mái nhà sàn vững chãi bao đời bị vùi dưới bùn sâu. Hầu hết các hộ dân lâm vào cảnh không nhà. Sau đó gần 1 năm, vào ngày 5/8/2019, một trận lũ quét kinh hoàng đã quét qua, xóa sổ hoàn toàn bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn khiến 10 người chết, 51 ngôi nhà bị cuốn trôi, hư hỏng.
Ngay trong những thời khắc đau thương ấy, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra các giải pháp hiệu quả, nhanh chóng xây dựng các khu tái định cư khẩn cấp cho người dân vùng thiên tai. Mọi nguồn lực được huy động, mọi trái tim đều hướng về các bản làng.
Từ đống hoang tàn, đổ nát, người dân ở 2 bản đã mạnh mẽ đứng dậy, vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, những khu tái định cư (TĐC) khang trang lần lượt được dựng lên cho người dân bản Pọng, Sa Ná chỉ sau thảm họa vài tháng. Người dân có nhà, có cuộc sống mới, được an cư trên khu vực đảm bảo an toàn. Trở về 2 bản ngày hôm nay, một không khí phấn khởi, hăng say lao động sản xuất rộn ràng khắp núi rừng.
Để người dân được an cư
Theo thống kê, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn trên 4.000 hộ dân với 18.000 nhân khẩu đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai. Trước tình hình đó, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch nhiều dự án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư tại các khu vực ảnh hưởng bởi thiên tai; đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sắp xếp, ổn định cho các hộ dân tại khu vực có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Theo nội dung của đề án này, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện bố trí TĐC xen ghép cho 1.122 hộ; TĐC tập trung, TĐC liền kề cho 1.724 hộ. Mục tiêu trọng tâm là trong thời gian ngắn nhất, bố trí đủ nguồn lực, quỹ đất để thực hiện TĐC, hướng đến ổn định, cải thiện đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát huy hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng - an ninh.
Sau 2 năm triển khai, đến nay, đã thực hiện cho 151 hộ TĐC tập trung theo lệnh đầu tư khẩn cấp; bố trí TĐC xen ghép cho 145 hộ dân. Năm 2022 và 9 tháng năm 2023, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư 17 khu TĐC, trong đó có 6 khu TĐC tập trung, 11 khu liền kề trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thạch Thành, Thường Xuân để sắp xếp ổn định cho 556 hộ dân.
Thời điểm nay, UBND các huyện đang nỗ lực triển khai các bước để chuẩn bị xây dựng hạ tầng các khu TĐC. Cùng với đó, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với UBND các huyện miền núi rà soát, tổng hợp, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư giai đoạn 2024-2025, bao gồm 18 khu TĐC để sắp xếp ổn định cho 707 hộ dân. Trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân khu vực này, đến tháng 6/2023, các huyện miền núi đã cấp GCNQSDĐ cho 2.737/3.837 hộ đến nơi ở mới, đạt 71,3%.
Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, việc sắp xếp, ổn định dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn các huyện miền núi có vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, sản xuất cho người dân khu vực miền núi, đảm bảo an ninh- quốc phòng, giảm thiểu hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra.
Đời sống của các hộ dân dần được ổn định sẽ góp phần yên tâm phát triển sản xuất, không còn tình trạng di cư tự do và chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, diện tích rừng được khôi phục và phát triển, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường sinh thái và phát huy được sức mạnh quốc phòng toàn dân trong việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.