Mặt trận

Nghịch lý quỹ đất sản xuất nông nghiệp

THÀNH LUÂN 01/12/2023 09:50

Là một trong các địa phương có cơ cấu đất phục vụ sản xuất nông nghiệp thấp nhất cả nước, chỉ chiếm chưa tới 1% (tương đương 60.000ha), dù vậy, đất sản xuất nông nghiệp của TPHCM lại đang ngày càng bị thu hẹp do phải san sẻ cho định hướng phát triển công nghiệp dịch vụ và nhu cầu chuyển đổi thành đất ở ngày càng cao.

duoi.jpg
Dù định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tăng năng suất, thế nhưng quỹ đất eo hẹp khiến ngành nông nghiệp TPHCM thiếu bền vững. Ảnh: Hồng Phúc.

Thực trạng khủng hoảng quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp của TPHCM đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu nay. Mới đây, vấn đề này lại một lần nữa được báo động tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo TS Phạm Đình Dũng - Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, trong 15 năm gần đây đã chứng kiến tốc độ đô thị hóa của TPHCM diễn ra rất nhanh, đồng thời cũng đặt ra những thay đổi lớn trong phát triển nông nghiệp.

Cụ thể, ông Dũng chỉ rõ, quỹ đất nông nghiệp của đô thị lớn nhất nước đã giảm liên tục hàng năm. Riêng giai đoạn 2010-2015 chứng kiến mỗi năm đất nông nghiệp giảm 700ha. Kế đến, giai đoạn 2015-2020 càng nan giải hơn khi mỗi năm TPHCM giảm thêm 1.000ha. Rất may, giá trị sản xuất trên 1ha đất của thành phố vẫn tăng hàng năm nhờ định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các sản phẩm nông nghiệp của TPHCM không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước mà còn đang vươn tầm xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng. Trong đó, nếu tính chung cả giai đoạn 2015-2020 thì giá trị sản xuất nông nghiệp trung bình trên 1ha của thành phố đã đạt tới 500 triệu đồng/ha. Với đà này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM đặt kỳ vọng đến năm 2030 sẽ đưa giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Dù vậy, nhìn về dài hạn cho ngành nông nghiệp công nghệ cao lại là một câu chuyện dài và ẩn chứa nhiều rủi ro.

Tại Hội nghị gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vào cuối tháng 6/2023 tại TPHCM, các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đã bày tỏ lo ngại khi quỹ đất phục vụ phát triển nông nghiệp của TPHCM ngày càng eo hẹp do phải san sẻ cho định hướng phát triển công nghiệp dịch vụ và nhu cầu chuyển đổi thành đất ở ngày càng cao. Bên cạnh đó, hiện TPHCM cũng chỉ có khoảng 4.300 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm chưa tới 1% trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Xét về vai trò đóng góp giá trị sản phẩm cũng chỉ bằng 1/5 bình quân doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác trên địa bàn thành phố. Với việc quỹ đất nông nghiệp ngày càng eo hẹp, buộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM định hướng chuyển đổi theo hướng làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Dù vậy, ngay cả định hướng này cũng gặp vô vàn khó khăn khi mục tiêu đến năm 2030 thành phố phải chuyển đổi được trên 10% quỹ đất trong tổng số 60.000ha đất sản xuất nông nghiệp (chỉ chiếm dưới 1% cơ cấu đất) thì mới có thể đáp ứng được định hướng phát triển kể trên.

Vấn đề quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của TPHCM cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi mới đây, ngày 29/11, Văn phòng UBND TPHCM đã thông tin chủ trương chỉ đạo của UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và địa phương thực hiện rà soát quỹ đất, bổ sung 4.000ha đất phù hợp để bố trí thêm các khu công nghiệp tập trung, đưa vào quy hoạch chung của thành phố. Điều này sẽ tiếp tục khiến vấn đề ưu tiên quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp của đô thị lớn nhất nước phải lùi lại phía sau.

THÀNH LUÂN