Đòn bẩy sáng tạo và khởi nghiệp
Câu chuyện khởi nghiệp từ chất liệu văn hóa dân tộc vẫn đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Đằng sau một làng nghề truyền thống, một sản phẩm được làm ra... là những giá trị đã được thử thách qua thời gian.
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp từ chất liệu văn hóa, nhà thiết kế Vũ Thảo Giang cho biết, ý tưởng đưa chất liệu văn hóa truyền thống Việt Nam lên áo dài có nghĩa, không chỉ tôn vinh hình tượng phụ nữ Việt Nam mà còn góp phần quảng bá văn hóa, di sản và du lịch. “Tôi nhận ra rằng, các bạn trẻ ứng dụng vốn văn hóa vào khởi nghiệp sẽ dễ thành công hơn nhiều".
Nghề dệt ở xã Phùng Xá (Mỹ Ðức, Hà Nội), vào những năm 70 của thế kỷ trước có diện tích trồng dâu trải dài nhiều làng xã ven sông Đáy. Ngày ấy, hầu hết các xã trong huyện Mỹ Đức đều làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhưng khoảng thời gian những năm đầu 1980, dâu tằm không được ưa chuộng, dẫn đến việc hợp tác xã chặt phá toàn bộ diện tích trồng dâu chuyển sang trồng lúa, hàng loạt thợ bỏ nghề.
Chứng kiến cảnh nghề canh cửi của quê hương đứng trước nguy cơ bị mai một, những đau đáu với nghề luôn thường trực trong tâm trí của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận. Bà ngày đêm nghiên cứu, giữ lại được nghề của cha ông và phát triển đến ngày nay. Không chỉ dừng lại ở đó, từ những vốn liếng kinh nghiệm nghề truyền thống, bà Thuận đã sáng tạo ra dòng lụa làm từ tơ sen nổi tiếng.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số doanh nghiệp khởi nghiệp từ vốn văn hóa thì quá trình này cũng đầy khó khăn và thử thách.
Ông Nguyễn Tiến Cường - “vua dép lốp” cho biết, khi làm theo kiểu cách truyền thống, có thời gian ông không bán được đôi dép nào. Tuy nhiên, từ khi thay đổi mẫu mã, làm theo kiểu dáng thời trang, bất ngờ có nhiều người mua và đến nay dép lốp đã tới tay khách hàng ở hàng chục quốc gia. Vì vậy cần phải bắt nhịp với thị hiếu để vừa bảo tồn, vừa đưa dép cao su tới đời sống đương đại lâu dài hơn. Khi sản phẩm bán được thì quay lại phục vụ cho việc giữ nghề.
Vốn văn hóa có nghĩa là hàm lượng văn hóa trong những gì chúng ta khai thác. Nếu chúng ta nhận biết được giá trị của chúng thì hoàn toàn có thể biến thành những cỗ máy in tiền. Nhưng để khai thác được vốn văn hóa, cần phải làm rõ tài sản văn hóa và có cơ sở pháp lý bảo vệ, nếu không di sản hoàn toàn có thể bị mai một, biến mất.
TS Bùi Minh Hào - nhà nghiên cứu nhân học cho rằng, lựa chọn vốn văn hóa để khởi nghiệp không phải lựa chọn phổ biến trong xã hội theo dòng chảy mạnh mẽ của thị trường. Quá trình này đòi hỏi người trẻ phải có niềm đam mê, hiểu rõ giá trị văn hóa mà mình lựa chọn, vừa có trí tuệ, vừa có sự can đảm, để kiên trì đi đường dài.
Theo ông Hào, trong bối cảnh như hiện nay, khi mà nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt thì hướng khai thác nguồn vốn văn hóa sẽ là một trong những bước đi quan trọng, bởi, nguồn vốn văn hóa đa dạng hơn, phong phú hơn, phân bố đồng đều. phát triển từ các nguồn vốn văn hóa cũng mang tính bền vững cao hơn khi bản thân văn hóa là sự kết tinh của các tương tác giữa con người với tự nhiên và con người với xã hội qua nhiều thế hệ khác nhau. Đây là con đường phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam cho rằng, nhiều người tham gia quá trình sản xuất ra sản phẩm văn hóa mới chỉ dừng lại ở mức độ đam mê. Chưa nhận ra được nhận ra việc mình làm góp phần bảo tồn, quảng bá văn hóa.
“Sau khi nhận ra được việc họ làm góp phần bảo tồn, giữ gìn văn hóa thì người ta mới làm chắc hơn. Qua đó, kể câu chuyện văn hóa đằng sau sản phẩm của mình. Làm tốt công tác quảng bá, sản phẩm có khả năng trở thành thương hiệu của Việt Nam, hay mang sứ mệnh lan tỏa văn hóa dân tộc, sức sống của các sản phẩm này sẽ lớn hơn rất nhiều” - bà Quyên nói.
Mặc dù là định hướng có sự phát triển bền vững nhưng theo các chuyên gia, trong quá trình khai thác vốn văn hóa tuệ của địa phương thì cũng rất cần tôn vinh nghệ nhân - những người đã đồng hành xây góp phần xây dựng lên thương hiệu.