Để Hà Nội thực sự là thành phố sáng tạo
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn trong cộng đồng, lan tỏa tinh thần sáng tạo.
Sau 12 ngày tổ chức, có tới 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan Tháp nước Hàng Đậu. Cùng với đó, Lễ hội cũng thu hút sự hưởng ứng, chủ động sáng tác của 1.000 nhà sáng tạo nội dung.
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhận định, Hà Nội là địa phương có nhiều di tích. Đó chính là nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa ở lĩnh vực du lịch. Ngoài ra còn có những di sản phi vật thể, là những sáng tạo từ bao đời nay. Đó là các làng nghề truyền thống. Chủ nhân chính là cộng đồng, là các chủ thể văn hóa. Vậy bài toán ở đây là phải làm sao khai thác được các giá trị con người, các giá trị tiềm ẩn ở trong các di sản để sáng tạo ra những giá trị mới. Có như vậy Hà Nội mới trở thành thành phố sáng tạo. Tất nhiên trong câu chuyện sáng tạo cần có những bà đỡ, những cánh tay nối dài. Đó là các nhà thiết kế, nhà quản lý, nhà kinh tế…
Nhiều chuyên gia nhận định, Hà Nội có rất nhiều cơ hội, nguồn lực để phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” nhưng phát triển chưa tương xứng. KTS Đoàn Kỳ Thanh - người sáng lập tổ hợp sáng tạo Zone 9, Hà Nội Creative city cho rằng, để thực hiện được cam kết của Hà Nội với UNESCO về xây dựng thành phố sáng tạo thì một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đó là kêu gọi sự tham gia của cộng đồng. Để làm được điều đó cần phải có những hạ tầng sáng tạo. Đi cùng với đó là những chính sách. Một điều mà Hà Nội cần làm ngay đó là không thể chuyển những không gian nhà máy cũ sau di dời sang mục đích thương mại hay xây nhà ở để bán mà nên dành cho tầm nhìn xa hơn đó là phát triển công nghiệp sáng tạo.
Còn theo TS Lê Thị Minh Lý, Hà Nội cần phải đào tạo đội ngũ thế hệ trẻ. Để thế hệ trẻ hiểu được những tiềm năng văn hóa của quốc gia, của thành phố. Vấn đề cơ chế, tài chính, chính sách cho việc khích lệ các sáng tạo để duy trì và đảm cho nó một sự phát triển bền vững sau khi đã trở thành một sản phẩm sáng tạo. Và vấn đề bản quyền cũng cần được quan tâm và xem xét một cách thấu đáo. Bởi sáng tạo ở nước ta đứng trước nguy cơ mất bản quyền.
Theo ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có điều khoản riêng về lĩnh vực văn hóa sáng tạo, với việc thành phố sẽ có quy hoạch chung về thiết kế đô thị, phát triển nguồn lực cho xây dựng, phát triển Thành phố sáng tạo. Hà Nội cũng có chính sách về phát triển nguồn lực cho xây dựng thành phố sáng tạo, bao gồm chính sách đối với nghệ nhân, việc truyền dạy cho thế hệ sau...