Sống thấp thỏm trong vùng sạt lở
5 năm trở lại đây, tại khu vực bờ tả của sông Chu đoạn chạy qua xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã hình thành một cung sạt lở có chiều dài 1,6km. Mỗi năm có tới hàng nghìn m2 đất thổ cư, đất nông nghiệp cùng hoa màu của người dân bị trôi xuống lòng sông.
Sông “gặm” làng
Chúng tôi có mặt tại thôn Hải Mậu, xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) - một trong 3 thôn của xã đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do tình trạng sạt lở bờ sông kéo dài trong suốt nhiều năm nay. Bờ sông Chu với những cung sạt thẳng đứng, có đoạn sâu đến 20m. Mặc dù thời điểm hiện tại nước sông chảy bám đáy nhưng những tảng đất pha cát lớn hàng khối vẫn chậm rãi đổ ụp xuống lòng sông cạn. Sau mỗi vụ lở đất nhỏ, các vết nứt mới ăn sâu về phía làng lại hình thành và chờ sạt… cứ như vậy, mỗi ngày sông Chu lại cuốn đi từng mét đất canh tác của người dân.
Tìm hiểu từ phía người dân, chúng tôi được biết, hiện tượng sạt lở tại đây đã bắt đầu từ năm 2017, tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn khi các mỏ cát trên dọc tuyến sông Chu được tỉnh Thanh Hóa cấp phép và đi vào hoạt động rầm rộ khiến dòng chảy cố định của con sông bị thay đổi. Mỗi khi mùa mưa lũ về các vết sạt cứ kéo rộng và dài hơn. Đến nay, cung sạt đã kéo dài lên đến 1,6km, chạy qua các thôn: Minh Hải, Hải Thành và Hải Mậu. Mỗi năm người dân sinh sống dọc bờ sông bị mất khoảng 15m đất hoa màu, tại một số điểm, sạt lở chỉ còn cách đất thổ cư của người dân khoảng 30 - 40m.
Ông Đỗ Bá Cường - một người dân trú tại thôn Hải Thành không dấu được sự lo lắng cho biết: Gia đình ông có 3 sào đất màu ven sông để canh tác. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của cả gia đình có 4 nhân khẩu. Tuy nhiên, chỉ trong vòng khoảng 3 năm trở lại đây, con sông đã lấy đi 50% số diện tích này. Phần diện tích còn lại lại cũng đang lần mòn từng ngày bị cuốn trôi xuống sông.
“Theo tôi, ngoài nguyên nhân là lũ lụt thì nguyên nhân chính dẫn đến hệ lụy của ngày nay là do các mỏ khai thác cát gây ra. Cứ đà này thì chẳng mấy chốc nữa bờ sông sẽ tiến vào đến làng. Đừng nói đất sản xuất mà ngay cả nhà cửa chúng tôi cũng không giữ được nếu nhà nước không kịp thời đưa ra giải pháp để hạn chế tình trạng sạt lở hiện nay. Người dân trong các thôn đã nhiều lần kiến nghị tại cuộc tiếp xúc cử tri, thậm chí lên xã để yêu cầu các mỏ cát dừng hoạt động nhưng đều không có kết quả” - ông Thành nói.
Loay hoay tìm giải pháp
Ông Vũ Trung Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Hải cho biết: Tình trạng sạt lở tại các thôn Hải Thành, Hải Mậu và Minh Hải ngày càng trở nên nghiêm trọng. Hiện có tới hơn 80 hộ dân, với hàng trăm nhân khẩu tại 3 thôn bị ảnh hưởng và đe dọa trực tiếp. Vào các mùa mưa bão, chính quyền phải luôn cắt cử người theo dõi tình hình mưa lũ và luôn sẵn sàng các phương án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm nếu thấy cấp thiết.
Theo ông Dũng, giải pháp hiện tại mà chính quyền xã đưa ra để hạn chế tình trạng sạt lở là trồng các loại cây như tre, keo, xoan dọc bờ sông. Tuy nhiên, chỉ sau một mùa mưa lũ, các hàng rào chắn này lại bị cuốn trôi. “Ứng phó với tình trạng sạt lở vào mỗi mùa mưa lũ, chúng tôi phải luôn trong tư thế chuẩn bị tốt phương châm “4 tại chỗ” và di dân ngay khi có cảm giác không an toàn cho tính mạng và tài sản của bà con trong vùng nguy hiểm. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế! Về lâu dài, chúng tôi khẩn thiết đề nghị nhà nước sớm có phương án để chấm dứt tình trạng sạt lở như hiện nay”- ông Dũng bày tỏ.
Kiểm tra thực tế tại xã Thọ Hải, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân cho biết: Trước thực trạng sạt lở tại Thọ Hải, UBND huyện đã cho căng bạt, đắp các con chạch chống tràn, tránh các dòng nước trực tiếp xoáy vào các mái sạt. Đồng thời, huyện chỉ đạo xây dựng các công trình trọng điểm phòng, chống sạt lở, giao nhân lực vật tư tại chỗ cho địa phương theo phương châm chủ động “4 tại chỗ”.
“Về lâu dài, phải có các biện pháp kè kiên cố hóa. Huyện cũng đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh, các sở, ngành báo cáo về tình trạng sạt lở trên diện rộng hiện nay và đề nghị có phương án hỗ trợ địa phương” - ông Tuấn nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Hoàng Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Huyện sẽ thành lập đoàn công tác để tiến hành kiểm tra tình hình thực tế tại hiện trường cũng như yêu cầu các phòng chức năng đánh giá cụ thể hiện trạng, từ đó có thể đưa ra được giải pháp tối ưu nhất cho vùng sạt lở tại Thọ Hải.