Không bỏ qua mũi vaccine nhắc lại
Có nhiều loại vaccine cần tiêm nhắc lại 2-3 lần với thời gian khác nhau để giúp trẻ phòng, tránh dịch bệnh một cách an toàn. Song nhiều phụ huynh thường quên cho con đi tiêm nhắc lại.
Chị Nguyễn Thanh H. (36 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Những mũi vaccine tiêm ngay cho trẻ sau 1, 2 tháng thì tôi còn nhớ để đưa con đi tiêm, còn những mũi có thời gian dài sau vài năm thì thường quên lịch tiêm. Cũng do bản thân nghĩ rằng dù sao con cũng tiêm 1 mũi rồi nên chủ quan.
Quan niệm như trên không ít trong bộ phận người dân. Đáng nói, trong bối cảnh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm vẫn lưu truyền như hiện nay, không ít các trường hợp trẻ đã phải nhận hậu quả nặng nề, thậm chí là tử vong do cha mẹ “quên” cho con tiêm mũi nhắc lại.
Mới đây, bé Trần Thanh T. (5 tuổi, ở Hải Phòng) nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng phụ thuộc vào máy thở, liệt tứ chi, tiên lượng nặng. Được biết, trước đó trẻ xuất hiện triệu chứng sốt cao, sốt từng cơn, kèm theo đau đầu, nôn nên được gia đình đưa vào viện Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng và được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản. Sau đó bệnh nhi xuất hiện tình trạng giảm ý thức, suy hô hấp, các bác sĩ đã tiến hành đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương. Khai thác bệnh sử, mẹ bệnh nhi cho hay, trẻ được tiêm phòng 3 mũi viêm não Nhật Bản khi trẻ 2 tuổi nhưng từ đó đến nay chưa tiêm nhắc lại.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết: Viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tổ chức não do virus viêm não Nhật Bản gây nên, đây là virus gây viêm não hàng đầu châu Á, trong đó có Việt Nam. Viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25 -35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hiện nay, tuy đa số trẻ em đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. Các bà mẹ có con lớn tuổi mắc viêm não Nhật Bản hầu hết đều cho rằng con đã được tiêm phòng tiêm phòng 3 mũi đầy đủ đến 2 tuổi. Nhưng đây là quan niệm sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh. Các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3-5 năm một lần đến năm 15 tuổi.
Mới đây nhất, Sở Y tế Hà Nội đã thông tin về ca bệnh trẻ mắc ho gà đầu tiên trên địa bàn thành phố trong năm 2023. Đây là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho dữ dội, thở hít vào. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trường học…
Theo BS Lâm, vaccine tiêm phòng bệnh ho gà cũng là loại cần tiêm nhiều mũi nhắc lại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều trẻ bị ho gà chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên tắc tiêm vaccine là tạo ra hệ miễn dịch cho cơ thể. Như vậy, quá trình tiêm nhắc lại là quá trình kích thích cơ thể tăng tính miễn dịch để đảm bảo tạo kháng thể giúp trẻ phòng, chống được bệnh mà trẻ được tiêm vaccine loại bệnh đó. Hiện nay, hầu hết các loại vaccine đều cần thiết tiêm nhắc lại để đảm bảo tính miễn dịch cho cơ thể, giúp cơ thể đã được tiêm chủng phòng, chống bệnh một cách an toàn và bền vững. Mỗi loại vaccine đều có cách tiêm nhắc lại khác nhau.
BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo, mỗi loại vaccine khi đưa vào sử dụng đều đã được nghiên cứu về tính an toàn, hiệu lực, hiệu quả, liều lượng, đường tiêm, lịch tiêm chủng theo những quy định của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế. Do đó, để có thể phòng bệnh hiệu quả, cần tuân thủ hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế. Trong trường hợp tiêm không đủ liều, không đúng lịch, trẻ vẫn có thể mắc khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
Theo BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, vì lý do nào đó, trẻ hoãn tiêm do mắc bệnh trong ngày tiêm chủng hoặc phụ huynh quên không đưa trẻ đến tiêm phòng đúng lịch, thì nên đưa trẻ đến điểm tiêm chủng sớm nhất để được tư vấn và tiếp tục tiêm đầy đủ.