Sức hút cho du lịch đêm
Nằm trong Đề án “Một số mô hình phát triển du lịch đêm”, thời gian qua, hàng loạt các điểm đến đã xây dựng chương trình nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, hầu hết các chương trình đều đang trong giai đoạn thử nghiệm để tìm hướng phát triển bền vững.
Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các địa phương Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Nhiều địa phương tổ chức điểm du lịch đêm
Hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện Đề án ít nhất 1 đêm. Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu. Phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng khách du lịch tập trung đông. Hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.
Mặc dù mới trong giai đoạn khởi động, nhưng thời gian qua hàng loạt các sản phẩm du lịch đêm đã được điểm đến xây dựng và bắt đầu đi vào hoạt động. Mới đây nhất, Sở Du lịch Hà Nội đã ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm với nhiều chương trình đã được thử nghiệm và khai thác trước đó. Có thể kể đến như, show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”; Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại tuổi thanh xuân - Sống một đời đáng sống” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Tour đêm Văn Miếu “Tinh hoa Đạo học”; Rối nước Thăng Long…
Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương cũng đã tích cực ra mắt chương trình nhằm thu hút khách du lịch tham gia các hoạt động về đêm. Như TPHCM bên cạnh những điểm đến quen thuộc như phố đi bộ Bùi Viện, Nguyễn Huệ, chợ đêm Bến Thành… mới đây hàng loạt dự án chợ đêm, phố đi bộ mới cũng đã được ra mắt. TP Đà Nẵng với các hoạt động khai thác bãi biển đêm Mỹ An, phố đi bộ An Thượng, tổ chức các hoạt động tại chợ đêm Sơn Trà… Thậm chí một thành phố vốn khá tĩnh lặng về đêm như Huế cũng đã trở nên sôi động khi cho ra mắt các tuyến phố đi bộ với nhiều trải nghiệp đặc sắc như cụm điểm check-in nghệ thuật 3D mapping tại tòa nhà VNPT và trung tâm chiếu phim Cinestar, kết hợp với các điểm trưng bày mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ẩm thực, đặc sản 3 miền bằng các xe lưu động.
Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch đêm, PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, kinh tế đêm tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn giữ chân khách du lịch hay người dân từ nơi khác đến. Việc giữ chân du khách hay kéo khách quay trở lại là mục tiêu chiến lược với ngành du lịch và dịch vụ, tuy nhiên, lâu nay chúng ta chưa phát triển các dịch vụ hay các điểm vui chơi giải trí về đêm, nên cũng làm giảm đi sự thu hút giữ chân du khách. Ông Long cũng dẫn chứng, theo khảo sát, có tới 50% du khách muốn quay lại điểm đến Thái Lan, nhưng ở Việt Nam chỉ có 20% khách muốn quay lại. Một trong những lý do khách ít quay trở lại vì chúng ta còn thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn, thiếu dịch vụ hay vui chơi giải trí vào khoảng thời gian từ đêm tới sáng. Việc cải thiện cuộc sống về đêm sẽ là bước ngoặt lớn để phát triển du lịch dịch vụ, thu hút nhiều du khách, tạo công ăn việc làm hơn.
Du lịch đêm không chỉ “màu hồng”
Không thể phủ nhận, sau một thời gian “khởi động”, du lịch đêm đang có những bước tăng tốc tại các điểm đến trong cả nước. Tuy nhiên, dù có sự gia tăng về số lượng các tour, chương trình trải nghiệm về đêm nhưng về chất lượng vẫn còn đó những hoài nghi. Thực tế, ngoài một số điểm nhấn các chương trình du lịch đêm hiện nay hầu như vẫn đang dừng lại ở mức độ phong trào, nội dung gần như na ná nhau. Anh Nghiêm Hoàng Nam (du học sinh Nhật Bản) chia sẻ, trong thời gian được nghỉ phép về nước tôi có dịp trải nghiệm nhiều điểm du lịch về đêm tại Việt Nam. Có một điểm chung khi đến với các tuyến phố đi bộ về đêm đó là hàng quán san sát từ hàng ăn cho đến các quầy bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, đặc sản của địa phương... Đi dạo phố mà cứ ngỡ đang đi chợ. Thậm chí giá thành các mặt hàng ở đây còn cao hơn thực tế rất nhiều.
Anh Khang Quân (du khách Trung Quốc) cho biết: Tôi lấy vợ Việt Nam nên hầu như năm nào gia đình tôi cũng đi Đà Nẵng. Nhưng đến đây vẫn là một hành trình quá quen thuộc là đi thuyền trên sông Hàn, ngắm bến du thuyền Marina, ẩm thực chợ đêm thì ngày có gì đêm có đó, xem cầu Rồng phun lửa nhiều cũng chán, trò chơi cảm giác mạnh ở Công viên châu Á lại không phù hợp với gia đình có con nhỏ… Trong khi đường xá TP Đà Nẵng đến 10h đêm là đã bắt đầu vắng người
Không chỉ đơn điệu trong các sản phẩm, nhiều không gian phố đi bộ hiện nay còn đang bị “ô nhiễm” bởi tiếng ồn. Đơn cử như các con phố như Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (TPHCM), tuyến phố đi bộ Bài Thơ hay khu vực du lịch ven biển ở Quảng Ninh… các nhà hàng đua nhau mở loa công suất lớn để thu hút khách. Chưa kể, vào những ngày lễ hay tổ chức các chương trình nghệ thuật thu hút đông đảo công chúng thì các tuyến phố đi bộ đều rơi vào tình trạng thiếu nhà vệ sinh, tràn ngập rác, tiền gửi xe được đội giá lên gấp nhiều lần…
Tuy nhiên, phát triển du lịch đêm không chỉ “màu hồng” mà đằng sau đó còn là những rủi ro tiềm ẩn. Đơn cử như việc ô nhiễm tiếng ồn khiến cho một bộ phận cư dân ở trung tâm thành phố, đô thị không ngủ được, dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần và trong nhiều trường hợp đã ảnh hưởng đến năng suất lao động. Các doanh nghiệp ở trung tâm thành phố có thể gặp phải những rủi ro khi chịu các chi phí liên quan đến sửa chữa các thiệt hại nhỏ do hành vi phá hoại của những người tham gia hoạt động ban đêm.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, hoạt động du lịch trong kinh tế đêm cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực và cần sự tham gia của người dân. Ðể thu hút được các bên tham gia, quan trọng nhất vẫn là cần có cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm. Ông Thắng cùng gợi ý, để phát triển du lịch đêm tập trung vào văn hóa ẩm thực. Nhưng đó phải là những loại sản phẩm mang tính địa phương nổi trội. Bởi Việt Nam có nền ẩm thực vô cùng phong phú, trong khi dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tiêu dùng ban đêm. Ngoài ra, nên khai thác cả yếu tố giải trí, hệ thống di tích văn hóa - lịch sử, hệ thống bảo tàng, nhà hát…
Có thể nói, để các hoạt động du lịch đêm hiệu quả đang cần sự đồng lòng từ người dân đến các cơ quan quản lý. Ở đó, cơ quan chức năng của các địa phương cần tập trung hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động du lịch đêm từ “việc nhỏ” đến “việc lớn” như loại hình kinh doanh, khu vực kinh doanh, giấy phép hoạt động, tiêu chuẩn hoạt động, quy định về giao thông ban đêm, an ninh trật tự, phân cấp trong quản lý... Bởi chỉ khi quản lý tốt được các hoạt động đó mới bảo đảm duy trì môi trường cho du lịch đêm phát triển bền vững, an toàn cho du khách tham gia trải nghiệm, “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Theo ông Lê Công Năng - CEO Wondertour, để Việt Nam phát triển kinh tế đêm thì phải xem đây là dòng sản phẩm chủ lực trong du lịch để tập trung phát triển và khai thác bền vững. Nếu dòng tour đêm là sản phẩm chiến lược, thì các thành phố du lịch có “mong muốn” triển khai cũng cần xét lợi thế, điểm mạnh của địa phương để tạo sản phẩm du lịch phù hợp. Bên cạnh đó, cần có chiến lược tổng thể từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương để tổ chức, phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành làm tốt nhiệm vụ tìm kiếm và tổ chức dịch vụ du lịch.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn về đêm. Để có được sức hút đó, cần có sự sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm, để du lịch đêm không chỉ mang đến trải nghiệm mới mẻ, đầy kỳ vọng cho du khách mà còn nâng tầm vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa của đất nước. Để du lịch đêm thành công, mang lại hiệu quả mọi mặt, cần đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của du lịch đêm, cần đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân lực du lịch, từ nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên du lịch đến các dịch vụ liên quan khác.