Tạo đà cho kinh tế tư nhân phục hồi
Để nền kinh tế tăng trưởng một cách bền vững cần đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tạo môi trường tốt nhất cho các thành phần của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân phục hồi.
Gia tăng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động
Năm 2023 là một năm có nhiều thách thức, tốc độ tăng trưởng chậm, đặc biệt tốc độ tăng trưởng thấp của ngành chế biến chế tạo, sự suy giảm về kim ngạch xuất nhập khẩu cho thấy nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) bắt đầu thực sự nếm trải những khó khăn và tác động tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu.
Con số mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 11 tháng năm 2023, cả nước có 201,5 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,3 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số DN rút lui khỏi thị trường là 158,8 nghìn DN, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 14,4 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Theo báo cáo từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hơn một nửa số DN rời khỏi thị trường lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh, giải thể. Những DN này có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm). Cứ 2 DN tạm ngừng kinh doanh, thì 1 đơn vị thời gian hoạt động ngắn. Khốc liệt hơn, cứ 3 DN giải thể, thì có tới 2 đơn vị non trẻ. Chủ yếu những DN này có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.
Khó khăn bủa vây DN, DN nào không còn “sức đề kháng” đành phải rời bỏ thị trường. Mà điển hình là DN bất động sản.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam, lĩnh vực đầu tư bất động sản, có khoảng 12 luật tác động trực tiếp vào các hoạt động trong lĩnh vực này. DN và các cơ quan hành pháp thụ lý gặp khó khi chưa thống nhất phải xử lý thế nào trong những trường hợp chồng chéo này. Hy vọng từ bây giờ các khó khăn pháp lý được gỡ dần để DN yên tâm hoạt động.
GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra nhận định, năm 2023 là một năm rất khó khăn trong điều hành và tăng trưởng kinh tế. Dù kinh tế vẫn có mức tăng trưởng, nhưng hiện nhiều thành tố quan trọng của tổng cầu như đầu tư, tiêu dùng hay cán cân thương mại vẫn chưa đạt được mức như mong muốn để có tốc độ tăng trưởng cao.
Vì thế, ông Thành cho rằng, cần tiếp tục có động thái để duy trì và tăng cường tổng cầu, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Đồng thời, không chỉ tập trung vào tổng cầu mà còn phải có chính sách để tạo trọng cung. Trong đó, giải pháp căn cơ, lâu dài nhất là cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh tốt nhất cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân phục hồi và phát triển.
Phát huy các động lực tăng trưởng
Kinh tế số hiện nay là một trong những động lực tăng trưởng rất quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là khi các động lực tăng trưởng truyền thống trước đây đang dần cạn kiệt.
GS.TS Tô Trung Thành nhận định, chính sách tài khóa trong thời gian qua đã làm rất tốt với việc ban hành hàng loạt giải pháp về giảm, thuế, phí… cùng với đó là kết hợp với chính sách tiền tệ về giảm lãi suất, tỷ giá… Nên giải pháp thời gian tới là cần phát huy các động lực tăng trưởng; giúp DN tiếp cận hiệu quả nguồn vốn, tài chính, đất đai…
Trong khi đó, TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam nêu quan điểm, DN đang là lực lượng quan trọng đóng góp cho GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu… với nhiều cơ hội kinh doanh đang được mở ra cùng những cải cách về thị trường trong nước, các Hiệp định thương mại tự do để hội nhập. Vì thế, để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ông Bình nhấn mạnh về sự đảm bảo một môi trường pháp lý bảo vệ chắc chắn quyền tự do kinh doanh, đồng thời kiến tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm gia tăng niềm tin, khuyến khích người dân bỏ vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Trên thực tế, các DN đã và đang nỗ lực để đón đầu nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, để tận dụng cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng sản phẩm cho ngành hàng không, vũ trụ, nhiều DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã và đang đầu tư nhà máy, công nghệ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất.
Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Công ty cổ phần Thêu may Mỹ Đức Bùi Thị Hoàn chia sẻ, chưa bao giờ ngành dệt may gặp khó khăn như hiện nay, thị trường sụt giảm, đơn hàng đối với các DN nhỏ hầu như không có. Giai đoạn cuối năm đơn hàng vẫn không như ý, có đơn hàng được ký, nguyên vật liệu chuẩn bị đầy đủ nhưng sau đó đối tác báo hủy. Từ hơn 500 công nhân, đến nay công ty chỉ giữ lại một lượng công nhân đủ để duy trì hoạt động. Từ đầu năm đến nay, hàng tồn đọng nhiều, công ty đã phải bù lỗ...
“Công ty đã tìm nhiều cách tháo gỡ, đặc biệt là chuyển hướng thị trường. Trước mắt, công ty tận dụng số vải, nguyên vật liệu đã mua để sản xuất trang phục bán tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, công ty đang tìm kiếm khách hàng mới ở thị trường châu Á, châu Phi, để có thể bán những sản phẩm đã sản xuất, giá thành thấp hơn, nhằm thu hồi vốn và tiếp tục bổ sung nguyên phụ liệu, duy trì việc làm cho công nhân” – bà Hoàn cho hay.