Giám sát - Phản biện

Chặn sai phạm qua thanh tra nội bộ

Lê Anh 02/12/2023 07:49

Việc thanh tra nội bộ tại các trường đại học công lập đã giúp TPHCM và một số địa phương ngăn chặn ngay từ đầu các sai phạm trong thu chi các khoản phí, giảng viên sử dụng bằng cấp giả, công tác nước ngoài trái phép hoặc liên kết các khoa/ngành học chưa được cấp phép….

anh-bai-tren(5).jpg
Các giảng viên trường Đại học Luật TPHCM chuẩn bị túi tài liệu cho từng người trong đoàn công tác thanh tra thi. Ảnh: ULAW.

Phát hiện nhiều vi phạm

Ngay từ đầu năm nay, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước về hoạt động liên doanh, liên kết đào tạo đại học (ĐH) và sau ĐH tại một số cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn từ năm 2006-2010. Trong số này, qua xem xét hồ sơ 419 chương trình liên kết đào tạo trong nước tại gần 20 trường ĐH thì có đến 195/419 (chiếm 46,5%) chương trình liên kết tuyển sinh hệ vừa làm vừa học chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cấp phép.

Tại một số trường ĐH, hợp đồng đào tạo không xác định đối tượng tuyển sinh; không quy định cụ thể trách nhiệm cho đơn vị phối hợp tham gia vào quá trình đào tạo; quy định về mời giảng viên, tổ chức đánh giá kết quả các học phần;….Thanh tra Chính phủ cũng kết luận, kiểm tra hồ sơ 118 chương trình của 94 đối tác nước ngoài liên kết với 18 trường ĐH, nhưng cũng có đến 49 chương trình đào tạo hệ ĐH, 58 chương trình đào tạo thạc sĩ và 11 chương trình đào tạo tiến sỹ còn một số khuyết điểm, vi phạm. Điều rất đáng lưu tâm khi việc vi phạm tại các trường ĐH được phát hiện xử lý qua các đợt thanh tra có xu hướng ngày càng tăng, nhất là các sai phạm về tuyển sinh, mở ngành, trong đó thanh tra xử phạt tăng tới gấp 3 lần.

Ông Nguyễn Đức Cường - Chánh thanh tra Bộ GDĐT cho biết, từ năm 2022 đến tháng 8/2023, Bộ này đã ban hành tới 94 quyết định xử phạt hành chính với các cơ sở giáo dục ĐH. Số lượng trường ĐH bị xử phạt tăng đột biến so với 28 quyết định xử phạt của năm 2021. Trong đó, các vi phạm phổ biến liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo, nhưng cũng không đáp ứng khả năng duy trì điều kiện những ngành đã mở, dẫn đến nhiều bất cập. Không ít trường hợp tại thời điểm trường mở ngành đủ điều kiện nhưng sau một thời gian lại không duy trì đủ điều kiện. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan thanh tra phát hiện cơ sở trường ĐH không đảm bảo điều kiện nên phải xử phạt để răn đe. Thậm chí, có những trường trong vòng 3 năm mở mới tới 27 ngành. Từ đó, đã nảy sinh nhiều sai phạm trong chấp hành các quy định của Bộ và pháp luật hiện hành. Không chỉ ở các cơ sở giáo dục ĐH Trung ương và địa phương, gần đây Sở GDĐT TPHCM cũng đã phải ký quyết định phê duyệt danh mục các cuộc thanh tra, kiểm tra toàn diện năm học 2023-2024 đối với các đơn vị trường học, trung tâm ngoại ngữ - tin học, các trường ngoài công lập,...Trong đó, nhiều sai phạm được phát hiện qua thanh tra nội bộ tại từng cơ sở giáo dục đã giúp cho các cơ quan quản lý giáo dục Trung ương và TPHCM xử lý được dứt điểm ngay khi còn “manh nha”.

Xử lý “từ gốc” tiêu cực

Hiệu quả về ngăn chặn kịp thời vi phạm tại các trường ĐH, nhất là hệ thống ĐH công lập đã được nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cơ quan quản lý giáo dục khẳng định tại Hội thảo “Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học” ngày 30/11 tại TPHCM. Theo TS Trần Văn Long - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và cơ sở giáo dục công lập nói riêng hiện nay, về cơ bản chủ yếu thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Qua đó, giúp kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy, quy chế của đơn vị.

Các hoạt động thanh tra mang tính chuyên nghiệp hơn, cả về tổ chức chuyên trách, tính nghiệp vụ và tính chất, phạm vi của vụ việc cần thanh tra lớn, quan trọng, phức tạp. Để làm tốt hơn công tác thanh tra nội bộ, ông Long cũng đề nghị cần tiếp tục xác định cụ thể khuôn khổ pháp lý cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung hay cơ sở giáo dục ĐH công lập nói riêng, như về thành lập tổ chức thanh tra hoặc giao cho bộ phận; đơn vị hoặc bố trí người làm công tác thanh tra nội bộ; Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp chỉ đạo hoạt động thanh tra nội bộ…

TS Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành thuộc Thanh tra Bộ GDĐT cũng đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng hoạt động thanh tra hiện nay. Trong đó, hoạt động thanh tra nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học, một số đơn vị đã quan tâm hơn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện công tác thanh tra tài chính, tài sản, xây dựng cơ bản. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân chưa được quan tâm, thực hiện đầy đủ, cá biệt có những đơn vị chưa thực hiện theo quy định. Đáng chú ý, vừa qua có 98 trong số những đơn vị được khảo sát đã bố trí phòng tiếp công dân. Tuy nhiên, các phòng làm việc chưa đảm bảo diện tích theo quy định, phòng tiếp công dân chưa được bố trí đầy đủ các phương tiện, thiết bị, nội quy theo quy định; các cuộc thanh tra do thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học tiến hành chưa thống nhất và chưa đảm bảo đầy đủ quy trình của một cuộc thanh tra, nhiều cuộc thanh tra chưa ban hành đầy đủ kết luận thanh tra theo quy định…

Theo ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GDĐT, tự chủ giáo dục ĐH là xu hướng tất yếu. Xu hướng này đòi hỏi các trường ĐH công lập phải có những bước chuyển mình thực sự toàn diện ở các khía cạnh tự chủ tổ chức, nhân sự, tự chủ tài chính và tự chủ học thuật. Khi các cơ sở giáo dục được trao quyền một cách mạnh mẽ, phân cấp và phân quyền thì thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục ĐH sẽ đóng vai trò quan trọng hơn. Ông Cường cho biết, thời gian tới thanh tra nội bộ sẽ giúp công tác quản lý của các Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu các trường bảo đảm trách nhiệm giải trình trước xã hội về các hoạt động của mình.

Lê Anh