Nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường
Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) là môn học bắt buộc trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn lồng ghép GDQPAN trong trường tiểu học, THCS.
Lồng ghép vào môn học
Theo dự thảo, nội dung lồng ghép GDQPAN đối với cấp tiểu học sẽ triển khai trong hoạt động giáo dục theo từng khối lớp, theo bộ sách giáo khoa mà nhà trường lựa chọn và theo khả năng nhận thức phù hợp với từng vùng miền, trong đó tập trung vào các môn học Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Lịch sử và Địa lí, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm và nội dung giáo dục địa phương theo các chủ đề.
Đối với cấp THCS thực hiện lồng ghép thông qua các bài học trong các môn học Ngữ văn, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lí, Khoa học Tự nhiên, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương theo các chủ đề quy định.
Một lưu ý quan trọng đó là thời lượng lồng ghép GDQPAN trong các môn học, hoạt động giáo dục cần bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông, kế hoạch giáo dục của các cơ sở giáo dục; bảo đảm đầy đủ nội dung GDQPAN cần truyền đạt, đồng thời không làm tăng nội dung và thời lượng dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục của các môn học, hoạt động giáo dục có nội dung GDQPAN được lồng ghép.
Dù đây mới đang là dự thảo song trên thực tế, việc dạy học lồng ghép các nội dung này trong quá trình học tập đã được các cấp học, các nhà trường triển khai thời gian qua. Cụ thể, năm học 2023-2024, theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDQPAN do Bộ GDĐT ban hành, các lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 thực hiện dạy học lồng ghép tập trung các chủ đề: giáo dục tinh thần yêu nước; truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước; tình yêu quê hương, yêu hoà bình, yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Riêng lớp 5 và lớp 9 tiếp tục thực hiện dạy học lồng ghép GDQPAN theo Thông tư 01/2017/TT-BGDĐT.
Đổi mới để nâng cao hiệu quả
Thực tế tại các nhà trường hiện nay, giáo viên giảng dạy môn học GDQPAN có nơi vẫn còn kiêm nhiệm. Ghi nhận tại tỉnh Thái Bình cho thấy, toàn tỉnh hiện có 433 cơ sở giáo dục phổ thông đang thực hiện chương trình GDQPAN cho học sinh. Kế hoạch giáo dục môn học và kế hoạch bài dạy bảo đảm khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu môn học. Tuy nhiên, bài toán giáo viên của môn học này vẫn đang là khó khăn của nhiều cơ sở. Giáo viên môn GDQPAN phải kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác. Vì vậy, địa phương mong muốn Trung ương sớm có chỉ đạo đồng bộ về định biên giáo viên cho các tỉnh.
Thiếu tướng, TS Trần Ngọc Thanh - Vụ trưởng Vụ GDQPAN, Bộ GDĐT nhấn mạnh, giải pháp giữ vai trò quan trọng hàng đầu, xuyên suốt để đổi mới nâng cao chất lượng GDQPAN cho học sinh, sinh viên là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên bảo đảm số lượng, chất lượng, đạt chuẩn hóa.
Cùng với đó, chủ động xây dựng, ban hành các cơ chế, đãi ngộ phù hợp để đội ngũ cán bộ, giảng viên yên tâm, gắn bó với công việc. Theo ông Thanh, đây là môn học mang tính đặc thù nên yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm khoa học, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường và học sinh. Với đặc điểm của GDQPAN là kết hợp lý thuyết với thực hành nên theo các chuyên gia, trong quá trình giảng dạy cần tăng thời gian nghiên cứu, tự học, tham quan, thực tế cho học sinh để nắm vững kiến thức, vận dụng nhuần nhuyễn vào thực tiễn. Đặc biệt, trong bối cảnh nền giáo dục đã chuyển từ dạy kiến thức sang dạy học theo định hướng phát triển toàn diện năng lực nên với môn GDQPAN cũng đòi hỏi không chỉ chú ý đến năng lực kiến thức mà còn chú ý rèn luyện cho người học năng lực giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn, những tình huống nghề nghiệp.
Một trong những đề xuất Bộ GDĐT đưa ra là giảm bớt thời gian dạy lý thuyết; căn cứ vào tình hình thực tế, các trường tổ chức cho học sinh, sinh viên đi tham quan, học tập thực tế tại bảo tàng lịch sử quân sự, lực lượng vũ trang hoặc các đơn vị, nhà trường quân đội, công an trên địa bàn. Những bài học thực tiễn sinh động sẽ góp phần giúp phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, khơi dậy, bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập…