Xã hội

Không lãng phí nguồn nhân lực

Lê Bảo 02/12/2023 08:15

Bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích lũy được, nhiều người lao động sau khi về nước đã khởi nghiệp thành công. Đáng chú ý, nguồn nhân lực này sau khi về nước cơ hội có việc làm thu nhập cao ngay tại quê nhà không khó.

anhbaitren(3).jpg
Các phiên giao dịch việc làm luôn thu hút số lượng lớn người lao động. Ảnh: Lan hương.

Nhu cầu tuyển dụng lớn

Ông Đặng Huy Hồng - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, trong hơn 19 năm, Bộ LĐTBXH triển khai thực hiện các chương trình phi lợi nhuận, đến nay đã có 127.407 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và 8.718 lượt người lao động sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan. Các chương trình đều đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao, giúp nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình họ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt đây là nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề khi về nước sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động.

Cũng theo ông Hồng, hiện nay nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động đã từng đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc của doanh nghiệp (DN) liên doanh, DN có vốn nước ngoài rất lớn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp lao động trở về nước có việc làm ổn định đúng với lĩnh vực mình đã đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Mới đây, nhằm kết nối DN với lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước, TP Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức hội chợ việc làm. Thông qua hội chợ đã kết nối tạo việc làm cho hàng nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước có được việc làm có thu nhập cao.

Ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP Hà Nội cho biết, chỉ trong một ngày diễn ra hội chợ nhưng đã thu hút 16 đơn vị có vốn đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản tuyển dụng ở các vị trí, với các mức lương hấp dẫn. Cụ thể, có 587 chỉ tiêu tuyển dụng với mức lương 10 – 15 triệu đồng/tháng, chiếm 37,4% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng, dành cho vị trí kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhà hàng - kỹ thuật. Đặc biệt, có 332 chỉ tiêu với mức thu nhập cao từ 15 triệu đồng/tháng trở lên ở vị trí quản lý, kinh doanh, biên dịch – phiên dịch, kỹ sư, giám sát. Điều này cho thấy, nguồn nhân lực sau khi XKLĐ trở về rất được DN săn đón.

Đánh giá nguồn nhân lực hậu xuất khẩu lao động, ông Choi Woojin - nhà sáng lập Công ty TNHH Fly Communication khẳng định: Đây là nguồn nhân lực có chất lượng cả về kỹ năng cũng như kỷ luật. Bởi họ từng có thời gian làm việc và sống tại Hàn Quốc vì vậy nắm được quy trình vận hành của các nhà máy, DN Hàn Quốc. Tuyển dụng nguồn nhân lực này, về phía công ty sẽ không mất thêm thời gian cũng như chi phí cho việc đào tạo lại nguồn lao động.

Tạo “sân chơi” kết nối người lao động và doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, sau gần 5 năm sống và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, người lao động trở về từ những quốc gia này có thu nhập ổn định, sự hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa bản địa cũng như các kỹ năng, sự chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nước sở tại. Đặc biệt là kỹ năng, tay nghề của họ được nâng lên để có cơ hội tìm kiếm được việc làm mới. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích lũy được, nhiều người lao động sau khi về nước đã khởi nghiệp thành công.

“Chúng ta đang để lãng phí nguồn LĐXK trở về. Mặc dù lao động trở về nước ngoại ngữ chưa được thành thạo, giỏi nhưng đa phần lại có kỹ năng và từng sống, làm việc Hàn Quốc. Đây là điều các DN đầu tư tại Việt Nam rất săn đón. Vì vậy, tôi nghĩ cần phải tạo ra nhiều “sân chơi” hơn nữa để đưa người lao động và DN gần nhau hơn” - bà Tạ Thị Ngọc Minh, chuyên viên tuyển dụng Công ty TNHH Optrontec Vina (Vĩnh Phúc) cho hay.

Thống kê của Bộ LĐTBXH cũng cho thấy, hiện trung bình mỗi năm nước ta đưa khoảng 120.000 - 143.000 người đi lao động ở nước ngoài. Trong đó, riêng năm 2023, tính đến thời điểm hiện tại, đã đưa khoảng 112.000 người đi lao động ở nước ngoài, chủ yếu tại thị trường Nhật Bản là 55.000 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) là 30.000 lao động. Cũng theo Bộ LĐTBXH, nguồn lực lao động nước ngoài này mang lại nguồn lợi cho đất nước từ 3,5 – 4 tỷ USD mỗi năm. Theo Bộ LĐTBXH, trong số các thị trường thì Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn luôn là thị trường tiềm năng được người lao động lựa chọn. Tại hai thị trường này, lao động Việt Nam được các DN, chủ sử dụng đánh giá cao về chất lượng cũng như tính kỷ luật trong công việc.

Bà Kim jun He - Tham tán Lao động và Việc làm Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia có lao động phái cử sang Hàn Quốc.

Việt Nam đã đưa được hơn 145.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc, hiện có 137 nghìn lao động đang làm việc tại đây. Theo bà Kim, năm 2023 Hàn Quốc cần tuyển dụng 130.000 lao động, nhưng sang năm 2024 số lượng này tăng lên 150.000 lao động. Đây là cơ hội lớn cho lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc.

Để phát huy lực lượng lao động ở nước ngoài trở về, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết, Bộ đã xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm cho đối tượng lao động này. Cùng với đó, Bộ cũng kết nối DN Việt Nam và DN nước ngoài, đơn cử với trường hợp lao động ở Nhật Bản về nước thì có thể vào làm việc tại các DN Nhật Bản sẽ phù hợp hơn, người lao động cũng phát huy được năng lực, kinh nghiệm. Ngoài ra, có quy định bổ sung hình thức đưa lao động theo diện ngắn hạn, thời vụ, theo mùa... nhằm tận dụng sở trường của người lao động.

Lê Bảo