Quản lý xe công nghệ như thế nào?
Thảo luận về dự án Luật Đường bộ, nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá kỹ nội dung điều chỉnh liên quan đến xe công nghệ để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Theo ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, liên quan đến nội dung về việc điều chỉnh đối với xe công nghệ, tại khoản 10 Điều 61 của dự thảo Luật quy định xe công nghệ sẽ được xếp vào loại hình xe taxi, được quản lý tương tự như đối với xe taxi truyền thống. Việc quản lý xe công nghệ tương tự như xe taxi sẽ có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Sự tham gia của các nền tảng gọi xe công nghệ giúp cung cấp mức giá cước linh hoạt, phản ánh chính xác quan hệ cung - cầu trên thị trường vào từng thời điểm theo thời gian thực. Nên về tổng thể khách hàng sẽ được cung cấp dịch vụ với chi phí rẻ hơn.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, xe công nghệ hay xe kinh doanh theo phương thức truyền thống cũng đều là kinh doanh vận tải. Luật Đường bộ hiện hành cũng như dự thảo Luật mới vẫn xác định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là nghành nghề kinh doanh có điều kiện và giao cho Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này. Như vậy có nghĩa đều phải chịu sự chi phối của Luật Đường bộ, đó là cơ sở để hoạch định quản lý tiếp theo. Phương thức truyền thống chịu điều kiện quản lý thế nào thì kinh doanh vận tải theo phương thức công nghệ cũng phải chịu điều kiện kinh doanh như nhau, nghĩa vụ về thuế phải bình đẳng như nhau. Cho rằng việc điều chỉnh đối với xe công nghệ sẽ khuyến khích các hình thức đổi mới, đa dạng hoá các hình thức về kết nối giữa bên vận tải với hành khách, theo ông Quyền, điều quan trọng nhất chính là nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải cũng như sự tiện lợi trong việc đi lại của người dân. Ông Lê Việt Trường - nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho rằng, phương thức quản lý, kinh doanh vận tải theo kiểu truyền thống rất nhiều thủ tục, làm cho chi phí lên cao. Bây giờ phải khuyến khích các phương thức kinh doanh mới đó là loại hình kinh doanh công nghệ. Theo đó, đưa vào diện điều chỉnh trong luật thì loại hình này cũng phải đóng thuế, nộp các khoản phí chung như tất cả các loại phương tiện khác. Và các nhà quản lý cũng phải tuân thủ nguyên tắc “tình hình phát triển đến đâu thì quản lý phải vươn đến đó” chứ không phải theo tư duy cũ là “quản lý được đến đâu thì cho phát triển đến đó”.
Theo ông Trường, đến nay chúng ta có thể gọi điện thoại với mức giá rẻ, chất lượng đường truyền nhanh và tốt. Nhiều nước chất lượng đường truyền thông tin liên lạc còn kém hơn so với Việt Nam. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi phương thức quản lý, tôn trọng thực tế để đáp ứng nhu cầu của người dân, giao thông thông suốt thì đất nước mới phát triển.