Kinh tế

Giá vàng biến động

MINH DUY 03/12/2023 08:14

Từ đầu tuần tới nay giá vàng liên tục biến ảo, thậm chí trồi sụt theo giờ khiến nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng chạy theo chóng mặt. Nhận định về giá vàng trong nước từ nay đến hết năm, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, giá vàng trong nước sẽ tăng tiếp khi nhu cầu về vàng, nhất là vàng trang sức tăng ở thời điểm trước Tết và trong Tết.

gia-vang-3.jpg
Người dân cần tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi muốn tham gia đầu tư vàng. Ảnh: Quang Vinh.

Giá vàng diễn biến khó lường

Giá vàng trong nước tăng liên tục, diễn biến khó lường. Đặc biệt, kết thúc phiên giao dịch sáng 29/1, giá vàng lập đỉnh lịch sử khi giá vàng miếng SJC được các cửa hàng lớn ở Hà Nội niêm yết ở 73,2-74,6 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Cả chiều mua và chiều bán đều phá đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 3 năm ngoái. Dù vậy, ngay sau khi đạt mức kỷ lục lịch sử 74,6 triệu đồng/lượng vào đầu giờ sáng, giá vàng miếng đã quay đầu lao dốc giảm gần 1 triệu đồng/lượng vào chiều cùng ngày.

Chiều 2/12, giá vàng SJC tăng mạnh (niêm yết ở mức 72,70 - 74 triệu đồng/lượng), cùng lúc vàng thế giới tăng lên mức 2.071 USD/ounce. Giá bán vàng SJC hiện cao hơn vàng thế giới 13 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn SJC tăng lên mức đỉnh mới 62,65 triệu đồng/lượng.

Theo ghi nhận, dù giá vàng tăng nhưng thời điểm này lượng khách hàng giao dịch không tăng đột biến so với thường ngày. Một nhân viên tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu (phố Trần Nhân Tông, Hà Nội) thông tin, khi vàng vượt ngưỡng 74 triệu đồng/lượng người dân đến bán ra khá đông. Những năm trước khi vàng tăng mạnh, một số người có xu hướng mua vàng lướt sóng khiến lượng giao dịch tăng hơn bình thường. Nhưng trong 2 năm gần đây, khi giá vàng tăng, người dân đến bán nhiều hơn mua.

Giá vàng tăng cũng khiến người vui, kẻ lo lắng không yên. Bà Nguyễn Minh Nguyện (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, bà mua 10 lượng vàng giá 58 triệu đồng/lượng hồi tháng 10/2021, giờ giá lên cao nên bà quyết định bán “chốt lời”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hoàng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay đã vay người thân 20 lượng vàng để mua nhà từ năm 2021. Nay đã đến hạn phải trả nhưng giá vàng tăng cao cũng khiến anh lo lắng. Số vàng anh Hoàng vay năm 2021 quy đổi ra tiền là hơn 1,1 tỷ đồng, nhưng nếu phải trả theo giá vàng hiện nay ước tính sẽ là gần 1,5 tỷ đồng, tức là anh phải trả thêm khoảng 400 triệu đồng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nêu 3 lý do giá vàng trong nước tăng liên tục: Thứ nhất, thị trường vàng trong nước đang nhiều biến động, xuất phát từ việc chúng ta quản lý giao dịch vàng chặt hơn. Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 12 sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, xuất hiện tin đồn không cho buôn bán vàng miếng. Điều này khiến nhiều người dân cho rằng việc mua vàng miếng sẽ khó khăn. Do đó, họ tranh thủ mua vàng khiến vàng tăng giá.

Thứ hai, thời gian qua lãi suất liên tục giảm, đầu tư khó khăn. Một số người có tiền gửi vào ngân hàng thì lãi không được bao nhiêu. Trong khi đầu tư thì ít cơ hội, do các doanh nghiệp đang ít đơn hàng, co cụm lại nên cơ hội đầu tư càng ít. Mặc dù giai đoạn 2 tháng cuối năm được dự báo sẽ là giai đoạn bùng nổ của sản xuất kinh doanh nhưng dường như các nhà đầu tư không tin tưởng lắm, do đó dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý. Tâm lý "mua vàng còn giữ được giá" khiến nhiều người ưu tiên vàng hơn. Thứ ba, đang cận dịp cuối năm, nhu cầu mua vàng trang sức phục vụ đám cưới, đám hỏi tăng lên, cũng có thể làm giá vàng tăng.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhận định, thị trường vàng luôn "nhảy múa", lên xuống giá thất thường, người dân cần tìm hiểu kỹ càng các kiến thức về lĩnh vực này trước khi muốn tham gia đầu tư.

Ngoài ra, đầu tư tiền nhàn rỗi dựa vào khả năng tài chính của mình, không nên vay mượn bạn bè, người thân vì không thể lường trước được điều gì, bổ sung kiến thức chuyên môn về lĩnh vực mình đầu tư để đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất.

Về dự đoán vàng có thể lên 3.000 USD/ounce, theo chuyên gia Trần Duy Phương, dự đoán chỉ là dự đoán. Để có thể đạt tới mốc 3.000 USD trong thời gian ngắn là rất khó. Trước đó, khoảng năm 2011, giá vàng thế giới đã lập đỉnh mọi thời đại ở mức 1.910 USD/ounce nhưng sau đó giảm về 1.700 USD/ounce… Đến nay, sau hơn 10 năm, giá vàng thế giới cũng chỉ dao động quanh vùng 1.900 - 2.000 USD/ounce.

Rủi ro nếu “lướt sóng”

Trước diễn biến giá vàng bất thường, giới chuyên gia tài chính cho rằng nếu mua vàng để dành ít nhất 6 tháng sẽ có lãi còn nếu lướt sóng lúc này rất nguy hiểm. Người dân nên cân nhắc sử dụng 1/3 số tiền đang có để mua vàng, còn lại chuyển vào các kênh đầu tư khác chứ không nên đầu tư hết vào vàng. Bên cạnh đó, người mua vàng nên cảnh giác khi giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới. Về lâu dài, giá vàng trong nước cũng sẽ biến động tăng giảm theo giá thế giới, nên việc đảo chiều là hoàn toàn có thể xảy ra.

Câu hỏi về giá vàng nóng nhất được đặt ra với các chuyên gia lúc này là nên mua vào hay bán ra?

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, lâu nay giá vàng Việt Nam chênh lệch khá nhiều so với giá vàng thế giới. Giá vàng trong nước tăng phụ thuộc vào giá vàng thế giới. Do đó, với diễn tiến hiện nay, đang có những dấu hỏi về bất ổn kinh tế toàn cầu, giá vàng thời gian tới sẽ không tăng mạnh như thời gian qua. Từ 1 đến 3 tuần tới, giá vàng vẫn có xu hướng tăng nhưng không kéo dài quá 2 - 3 tháng, giá vàng sẽ quay đầu lại hoặc đi ngang. “Bất cứ lúc nào giá vàng cũng có sự thay đổi theo từng giờ, chứ không phải theo ngày. Giá vàng thế giới cũng sẽ quay đầu, tỷ giá cũng không thể tăng tiếp.

Chênh lệch giá vàng giữa Việt Nam và thế giới đã khá nhiều nên không còn nhiều dư địa để tăng chênh lệch nữa. Vì thế, nếu mua vàng giai đoạn này, kể cả giá vàng có lên mức 75 triệu đồng/lượng rồi cũng sẽ bất ngờ quay đầu lại, sẽ rất rủi ro. Còn với người đang có vàng, nếu bán đi và gửi tiền vào ngân hàng với mức lãi suất khoảng 6%/năm, thì có thể vẫn tốt hơn là “ôm” số vàng đó sang năm sau. Kênh gửi tiền ngân hàng cũng là kênh an toàn”, ông Hiển bày tỏ.

Cũng có ý kiến cho rằng, người dân cần thận trọng khi đưa ra quyết định mua hay bán vàng. Không nên mua vàng thời điểm này, bởi mua vàng sẽ rất rủi ro, lời thì ít và lỗ thì nhiều. Ngay cả việc bán vàng cũng không nên vì khi bán rồi giá vàng tăng lên nữa lại không mua được. Với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tầm nhìn dài hạn, việc mua vàng lúc này để đa dạng hóa kênh đầu tư, trú ẩn trước những biến động khó lường thì có thể cân nhắc.

Nhận định về biến động giá vàng những ngày qua, PGS.TS Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng cho rằng, việc giá vàng tăng mạnh gần đây không thể hiện sự bất ổn nội tại nền kinh tế.

Đây là kết quả cả yếu tố trong nước và quốc tế cộng hưởng. “Việc Fed lần thứ hai trong năm nay không tăng lãi suất, giữ lãi suất ở vùng 5,25 - 5,5%/năm, đồng nghĩa với việc phát tín hiệu chính sách tiền tệ thắt chặt của nước này thời gian qua đã đến chặng cuối cùng, khiến đồng USD giảm mạnh.

Diễn biến này góp phần đẩy giá vàng thế giới tăng cao. Ngoài ra, giá vàng trong nước tăng trong khoảng thời gian vừa rồi cũng xuất phát từ việc các kênh đầu tư trong nước khác như thị trường chứng khoán, bất động sản... đang kém hấp dẫn”, ông Dũng phân tích.

Ông Trần Việt Dũng kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ sớm sôi động trở lại, đi kèm với đó là sự ấm lên của thị trường bất động sản... Khi các kênh đầu tư tốt hơn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người dân. "Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, CPI 4 - 4,5%. Nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá có tính ổn định cao và đạt được các mục tiêu đề ra trong năm tới", ông Dũng dự báo.

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng: Giá vàng tăng do nhà đầu tư có xu hướng chọn nơi “trú ẩn”
Có nhiều nguyên nhân khiến giá vàng đang được đẩy lên cao. Trong đó, có những yếu tố từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế. Hiện vàng thế giới ở mức vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce. Thị trường vàng trong nước chịu ảnh hưởng của sự biến động của vàng thế giới. Tuy nhiên, giá vàng còn có những yếu tố vĩ mô khác tác động như GDP, CPI, thị trường bất động sản... Cụ thể, GDP 9 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam chỉ mới đạt 4,24%, trong khi dự báo cho cả năm là 5% và trước đó là 6 - 6,5%. Với nền kinh tế mà GDP thấp hơn dự báo như vậy thì tác động trong vấn đề giá vàng tăng.
Bên cạnh đó, CPI bình quân của 11 tháng đầu năm 2023 đã vượt lên 4,79% đã vượt khỏi mục tiêu 4,5%. Điều này cũng tác động mạnh đến giá vàng. Đồng thời, toàn thị trường đang rất khó khăn, trong đó có chứng khoán nhìn chung vẫn thấp. Thị trường bất động sản vẫn ảm đạm hay thị trường tiền gửi ngân hàng cùng lãi suất vẫn tiếp tục thấp. Vì vậy, hiện các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kênh đầu tư sinh lời tốt hơn và vàng là sự lựa chọn bởi kim loại quý này đang tăng mạnh.
Thời gian tới, giá vàng sẽ lên tới 76 triệu đồng/lượng, đây là mức giá có xác suất cao. Có ý kiến dự báo cho rằng, giá vàng có thể vượt quá 2.100 USD/ounce ngay vào cuối năm 2023 và thậm chí có thể đạt mức 3.000 USD/ounce (giá quy đổi khoảng 90 triệu đồng/lượng) trong năm 2024. Về thông tin này, dự báo về vàng chỉ mang tính tương đối, vì thị trường vàng sẽ có biến động khôn lường. Mức giá lên đến 90 - 100 triệu đồng/lượng cũng có thể xảy ra, không có điều gì có thể cản vàng lên mức đó. Thế nhưng trong thời gian ngắn từ đây đến cuối năm, mức giá này có xác xuất không nhiều.

TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê: Đề phòng rủi ro đầu tư kinh doanh vàng
Hiện nay giá vàng đang cao tột đỉnh, nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường. Tuy nhiên, giá vàng rất thất thường, lên cao đấy nhưng cũng có thể rớt ngay. Vì vậy, với những người không có năng lực, khả năng kinh doanh và nắm bắt thị trường thì sẽ có xu hướng gửi tiết kiệm để an toàn, bảo vệ được tài sản. Còn với những người có khả năng nắm bắt nhanh, có năng lực quyết định, thường họ sẽ mua vào, bán ra rất nhanh. Do vậy, nhân cơ hội này họ sẽ đầu tư kinh doanh vàng để nhanh chóng kiếm lời. Mặc dù vậy, việc kinh doanh vàng thời điểm này có rất nhiều rủi ro nên nhà đầu tư cần cân nhắc trước khi xuống tiền.
Mặt khác, ở trạng thái nền kinh tế bình thường thì các nhà đầu tư không chỉ sử dụng vốn tự có để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mà họ còn mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư, bởi khi đó thị trường hàng hóa được tiêu thụ khá tốt. Còn trong nền kinh tế nhiều khó khăn, thách thức thì các nhà kinh tế, các doanh nghiệp và người dân không dại gì đầu tư vào sản xuất, bởi đã đầu tư vào sản xuất thì phải bán được hàng.
Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp không vay vốn ngân hàng, điều này thể hiện rõ ràng trong việc tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng của thị trường trong 11 tháng qua rất thấp. Trong khi không vay vốn sản xuất, thì đa phần có dòng tiền đã gửi tiền vào tiết kiệm vì tính an toàn, chắc chắn. Bất động sản cũng khó khăn, chứng khoán thì bấp bênh, mua vàng thì rủi ro cao, nhất là tại thời điểm giá vàng cao, người dân nếu đổ tiền mua vàng, khi vàng giảm không theo dõi để bán kịp thì sẽ lỗ vốn.

MINH DUY