Văn hóa

Đặt bàn tay lên môi, giữ chặt tiếng nấc nghẹn ngào…

THƯ HOÀNG 03/12/2023 08:27

Giữa muôn trùng tin tức, dòng tin nhạc sĩ Nguyễn Xuân Phương qua đời hôm thứ tư vừa qua (ngày 29/11), vì bệnh ung thư, khiến tôi dừng lại hồi lâu.

Tôi chưa gặp Xuân Phương lần nào, nhưng luôn nhớ anh, bởi nhiều bài hát anh viết cho các bộ phim thập niên 1990 - 2000 đã tạo nên một “ký ức tập thể” rất đẹp của nhiều người.

Đó là năm 1997, khi bộ phim truyền hình dài tập “Xin hãy tin em” của đạo diễn trẻ Đỗ Thanh Hải phát sóng trên VTV, ca khúc “Mong ước kỷ niệm xưa” của nhạc sĩ Xuân Phương qua giọng hát của Tam ca 3A đã làm nhiều người thổn thức:

cua-so.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Phương.

Thời gian trôi qua mau chỉ còn lại những kỷ niệm

Kỷ niệm thân yêu ơi sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô

Bạn bè mến thương ơi sẽ còn nhớ những lúc giận hờn

Để rồi mai chia xa lòng chợt dâng niềm thiết tha

nhớ bạn bè, nhớ mái trường xưa

Đặt bàn tay lên môi, giữ chặt tiếng nấc nghẹn ngào

Thời gian sao đi mau xin hãy ngừng trôi

Dù vẫn mãi luyến tiếc khi đã xa rồi

Bạn bè ơi, vang đâu đây, còn giọng nói tiếng cười

Những nỗi nhớ niềm thương gửi cho ai...

Lời bài hát ý nghĩa, giản dị, xuyên thấu tâm hồn mọi người, khiến ca khúc này đã lập tức gây được sự đồng cảm trong công chúng yêu nhạc.

Cũng phải nói thêm, hiệu ứng cộng hưởng từ việc đài truyền hình liên tục phát sóng khi kết thúc mỗi tập phim đã khiến ca khúc “Mong ước kỷ niệm xưa” càng lay thức được trái tim khán giả. Giai điệu và ca từ ở phần sau của ca khúc đã khiến không ít khán giả rưng rưng:

Nếu có ước muốn trong cuộc đời này

Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại

Cho bao khát vọng, đam mê cháy bỏng

Sẽ còn mãi trong tim mọi người

Để tình yêu... ước mơ mãi không phai...

Nếu có ước muốn trong cuộc đời này

Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại

Bên nhau tháng ngày, cho nhau những hoài niệm

Để nụ cười còn mãi lắng trên hàng mi, trên bờ môi

Và trong những... kỷ niệm xưa.

Khi ấy, người ta tò mò không biết nhạc sĩ Nguyễn Xuân Phương là ai. Vì với nhiều người lúc đó, lần đầu tiên mới biết tới một nhạc sĩ Nguyễn Xuân Phương.

Lúc ấy, mạng xã hội chưa có, internet cũng là cái gì đó xa vời, nên câu hỏi Xuân Phương là ai mãi mới có câu trả lời, nhờ… đọc báo hoặc xem chương trình văn nghệ trên VTV3.

Nói về bài hát “Mong ước kỷ niệm xưa”, hồi ấy, Xuân Phương cho biết anh viết ca khúc này khi mới 23 tuổi, với nhiều ký ức và kỷ niệm.

Anh cũng bày tỏ về việc viết nhạc cho phim: “Khi sáng tác ca khúc cho phim, tôi không kỳ vọng quá nhiều, bởi trước đây, nhạc phim hiếm khi thoát khỏi đời sống điện ảnh để đi vào quỹ đạo sân khấu âm nhạc. Hơn nữa tôi thực hiện tác phẩm này chỉ với mục đích giúp cậu bạn của tôi là đạo diễn Đỗ Thanh Hải, cũng đang chịu sức ép trước bộ phim đầu tay “Xin hãy tin em”.

Tôi và Hải là bạn thân thiết từ lâu, hai đứa gặp nhau ở trung tâm ngoại ngữ. Khi ấy, tôi còn chưa tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, còn Hải thì mới bước vào năm thứ nhất Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, thế mà cậu ta đã nói như đinh đóng cột: "Mai sau cậu sẽ viết nhạc cho các bộ phim mà tớ đạo diễn". Tôi không nghi ngờ vào khả năng của Thanh Hải, nhưng tôi cũng không dám chắc về điều này. Còn bây giờ thì tôi đã viết nhạc cho nhiều phim của Hải…”.

Cho tới cuối năm 2001 công chúng lại được thưởng thức một "bữa tiệc" không chỉ ngon ở câu chuyện phim mà còn nhiều bâng khuâng day dứt ở bài hát “Lời chưa nói” thường vang lên lúc mở đầu và kết thúc từng tập phim “Phía trước là bầu trời” của Đỗ Thanh Hải.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải có một niềm tin khác khi hễ làm phim là lại nhờ Xuân Phương viết nhạc: "Tôi rất tin tưởng ở Phương, bởi cậu ấy yêu nhạc lắm, và luôn có ý thức: Làm gì là làm cho ra hồn".

Là người chỉn chu và cầu toàn, khi viết bài hát Xuân Phương đã xác định giọng ca nào sẽ thể hiện.

Nhạc sĩ từng tâm sự: “Khi sáng tác, tôi đã hình dung giọng ca nào sẽ trình bày. Điều này có lợi thế là tôi khai thác được thế mạnh dòng nhạc, âm vực của ca sĩ, nhưng hạn chế là bài hát khó có cơ hội được phổ cập rộng rãi. Trong trường hợp ngược lại, để ca khúc được phổ biến rộng rãi thì tính đặc sắc sẽ ít đi. Tôi cũng thích danh tiếng, nhưng với tôi, làm sao để người nghe cảm thấy yêu mến lâu dài là cái đích nhắm đến trước nhất”.

Kể lại dông dài vài chuyện như vậy, để nhớ về nhạc sĩ Xuân Phương và lý giải vì sao, nhiều người bàng hoàng khi nghe tin anh qua đời. Sinh năm 1973, quê Hưng Yên, nhạc sĩ Xuân Phương lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật.

Bố là nghệ sĩ accordion Xuân Tứ, mẹ là nghệ sĩ múa Nguyễn Thị Bích, anh được học piano từ năm 6 tuổi, sau đó chuyển sang khoa Sáng tác ở Nhạc viện Hà Nội. Mười mấy tuổi, anh đã có sáng tác đầu tay “Chỉ tại mưa”. Năm 2000, Xuân Phương là giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội) sau đó làm Chủ nhiệm Khoa Âm nhạc của trường.

Ngoài ca khúc “Mong ước kỷ niệm xưa” và “Lời chưa nói”, nhạc sĩ Xuân Phương còn được biết tới qua nhiều ca khúc khác như: “Anh”, “Nếu phải xa nhau”, “Lời ru cho con”, “Người đàn bà thứ 2”…

Khi nghe tin Xuân Phương qua đời ở tuổi 50, đạo diễn Khải Hưng bàng hoàng: "Chia tay người đi cùng mình 20 năm qua, tôi hụt hẫng, chợt nghĩ: Giờ làm phim thì biết tìm ai viết nhạc”.

Còn nghệ sĩ Chiều Xuân viết lời tiễn biệt: "Em đã viết cho mình, cho cuộc đời và cho bao thế hệ học trò. Giờ là giây phút mọi người “đặt bàn tay lên môi giữ chặt tiếng nấc nghẹn ngào” để tiễn em về nơi cực lạc".

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh thì sững sờ dù biết Xuân Phương bị bệnh nhưng không nghĩ anh ra đi nhanh thế. “Xuân Phương là người vui vẻ, chan hòa, yêu nghề, viết lách nghiêm túc lắm. Tôi là một thế hệ nhạc sĩ đi trước nhưng rất quý trọng tài năng của cậu ấy. Nếu cậu ấy còn thì sẽ cống hiến được nhiều nữa", nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh chia sẻ.

THƯ HOÀNG