Dân tộc

Nâng cao hiểu biết trong phòng chống tảo hôn

Thanh Giang 03/12/2023 11:04

Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025 được đẩy mạnh triển khai thực hiện từ năm 2021. Khi thực hiện Đề án này, các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, từng bước nâng cao nhận thức cho người dân.

Để tiếp tục nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021- 2025”. Trên cơ sở đó, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tư vấn, tọa đàm, sân khấu hóa, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, phát trên hệ thống loa truyền thanh của các thôn, bản... Theo đó, từ năm 2021 đến nay, các sở, ngành và địa phương đã tổ chức 2.519 cuộc tuyên truyền, tư vấn, tọa đàm với 124.855 lượt người tham gia; tổ chức 10 cuộc tại các xã vùng sâu, vùng xa; tổ chức 6 diễn đàn học sinh DTTS nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện đề án.

doan-cong-tac-cua-ban-dan-toc-tinh-khao-sat-thuc-trang-tao-hon-va-hon-nhan-can-thuyet-thong-tai-xa-quang-son-huyen-hai-ha.-1-.jpg
Đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh khảo sát thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận thuyết thống tại xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà. (ảnh Thanh Nhàn)

Đặc biệt, với những địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống như huyện Bình Liêu, công tác tuyên truyền lại càng quan trọng. Do đó, thời gian qua, các phòng, ban và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai các giải pháp thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Để thực hiện việc này, UBND các xã, thị trấn của huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung của Đề án. Bên cạnh đó, củng cố đội ngũ tuyên truyền viên; phối hợp mở các lớp tập huấn, các hội nghị cung cấp thông tin về Luật Hôn nhân và gia đình, nguy cơ, hậu quả của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho cán bộ dân số xã, cộng tác viên, người dân tại các thôn bản, khu phố. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện tốt sự phối hợp trong hoạt động tuyên truyền vận động, tập huấn, kiểm tra, rà soát, thống kê đối với những trường hợp sinh con trước độ tuổi 18 và có nguy cơ tảo hôn. Các trường học, đơn vị y tế, dân số thường xuyên tổ chức tư vấn, nói chuyện chuyên đề để nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên, nhất là lứa tuổi vị thành niên, thanh niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Các xã, thị trấn duy trì tốt hoạt động mô hình CLB phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Nhờ đó, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện không có trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sinh con trước độ tuổi 18.

Cũng giống như huyện Bình Liêu, để đẩy mạnh truyền thông, nâng cao ý thức người dân trong phòng chống tảo hôn, mới đây xã Quảng Phong, huyện Hải Hà đã thành lập mô hình “Phát huy vai trò người có uy tín, già làng, thầy cúng, thầy thuốc trong vùng DTTS vận động nhân dân tham gia công tác đảm bảo ANTT; phòng, chống tảo hôn”. Qua đó nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác đảm bảo, giữ gìn ANTT ở cơ sở, xóa bỏ tập quán lạc hậu, phòng chống tảo hôn trên địa bàn xã. Khi thành lập mô hình này, các già làng, trưởng bản sẽ kịp thời phát hiện những dấu hiệu, biểu hiện, nguy cơ tảo hôn... để có biện pháp ngăn ngừa, thông tin cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý, không để hậu quả xảy ra.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng các mô hình, mà các ngành, địa phương còn chú trọng kiểm tra, giám sát tại cơ sở về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhằm có sự can thiệp kịp thời. Giai đoạn 2021-2023, các sở, ngành liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 60 cuộc kiểm tra, giám sát, khảo sát về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và kết quả triển khai thực hiện đề án ở đầu giai đoạn II. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đưa ra các giải pháp, định hướng để cơ sở thực hiện đảm bảo hiệu quả hơn. Qua khảo sát, rà soát tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh cho thấy, tính từ tháng 1/2021 đến hết tháng 9/2023, trên địa bàn vùng đồng bào DTTS miền núi của tỉnh không có hôn nhân cận huyết thống; có 521 trường hợp tảo hôn.

Với các hoạt động được đẩy mạnh, từ nhận thức đến hành vi của bà con nhân dân vùng DTTS, miền núi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Thanh Giang