Xu hướng dòng tiền cuối năm
Đáy lãi suất liên tiếp bị phá vỡ. Tại thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 6%/năm.
Tuy nhiên, dù lãi suất xuống thấp nhưng dòng vốn huy động tại các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng. Kênh tiết kiệm vẫn hút người gửi và chỉ có một phần nhỏ dòng tiền nhàn rỗi từ gửi tiết kiệm dịch chuyển sang chứng khoán, bất động sản… bởi “khẩu vị” rủi ro là khác nhau. Bên cạnh đó, dù lãi suất huy động giảm nhưng với mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện khoảng 5- 6%/năm, so với mức lạm phát 9 tháng khoảng 3,1% thì người gửi tiền vẫn có mức lãi suất thực dương.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, tiền gửi ngân hàng vẫn có khả năng tăng tiếp trong thời gian tới. Bởi các nhà đầu tư không có nhiều sự lựa chọn khi các kênh đầu tư sinh lời khác chưa có mấy khởi sắc. Còn PGS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng nhận định, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại vẫn được coi là một kênh đầu tư tài chính an toàn.
Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2022 nhưng là tháng tăng thấp thứ hai trong 9 tháng đầu năm (chỉ cao hơn tháng 7: tăng 6.707 tỷ đồng).
So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.
Dữ liệu thống kê cũng cho biết tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại tăng mạnh 217.353 tỷ đồng, lên gần 6,232 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp đôi cùng kỳ năm 2022 và tháng tăng mạnh thứ hai trong 9 tháng đầu năm 2023 (chỉ thấp hơn tháng 6, tăng 235.438 tỷ đồng). So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp đã tăng 276.856 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.
Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý 3 đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.
Đáng chú ý, với thị trường bất động sản, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, hiện tại dòng tiền đã bắt đầu rục rịch quay trở lại. Tuy nhiên, PGS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, thị trường bất động sản đã phục hồi tương đối nhưng chưa bứt phá. Thanh khoản ở các phân khúc còn hạn chế, trong khi đó lượng cung ít dẫn đến giá bán giảm không đáng kể. Vì thế, số người lựa chọn chuyển đầu tư sang lĩnh vực này chưa nhiều.
Trong bối cảnh này, kênh đầu tư vàng lại “nổi lên”. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần chủ động điều hành giá để ổn định thị trường. Thực tế cho thấy, chính sách chống ”vàng hóa”, điều hành giá cả phù hợp khiến tâm lý thị trường được ổn định. Trong 2 tuần qua, dù giá vàng tăng cao phá vỡ mọi kỷ lục nhưng không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng găm giữ như trước.
Về vấn đề này, PGS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, thời điểm hiện nay rất khác so với cách đây 2 năm. Do vậy, không nên quá lo ngại chuyện “tất tay” vào vàng, chứng khoán hay bất động sản... Bằng chứng là nhiều người sợ mất tiền nên ngay cả khi kênh tiết kiệm kém hấp dẫn thì vẫn lựa chọn. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang quan sát để tìm kiếm cơ hội. Với người trẻ, khi lãi suất giảm, cơ cấu danh mục có thể ưu tiên các kênh đầu tư rủi ro nhưng với những người có tuổi lại cần ưu tiên các kênh đầu tư an toàn như kim loại quý, tiền gửi...