Thương hiệu gạo Việt
Thông tin với báo chí, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Giải thưởng gạo ngon nhất thế giới “Gạo xanh - Sống lành” diễn ra tại Cebu (Philippines) ngày 30/11 đã được trao cho gạo Việt Nam, chứ không phải trao cho riêng doanh nghiệp nào. Cuộc thi này, Việt Nam có 6 loại gạo dự thi.
Đại diện Cục Trồng trọt cũng cho biết, từ ngày 11 đến ngày 14/12 năm nay, lần đầu tiên Festival quốc tế lúa gạo sẽ được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang. Đây là cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp với thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với lương thực, thực phẩm toàn cầu. Tại Festival cũng sẽ chính thức công bố phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Điều đó mang tới kỳ vọng thay đổi căn bản chuỗi giá trị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam nói chung, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung.
Trong số các loại gạo của Việt Nam từng đoạt giải cao thế giới thì nổi bật hơn cả là gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua. Kể từ năm 2019 khi được giải gạo ngon nhất thế giới lần đầu, tới nay ST25 đã có mặt tại nhiều thị trường quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ, Australia.
Việt Nam có nhiều giống lúa cho gạo chất lượng cao. Cùng với ST, thì còn nhiều giống lúa khác có thể nói là đặc biệt. Ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, có gạo Séng Cù, khi nấu chín cho màu trắng trong, dẻo mềm, cơm để qua đêm vẫn dẻo thơm. Séng Cù trồng trên những ruộng bậc thang bên các triền núi có độ cao hơn 1000m, khí hậu quanh năm mát mẻ. Còn ở Hải Hậu (Nam Định) có gạo Tám Xoan bao tử, hạt thon nhỏ, hơi ngả xanh, hương thơm dịu.
Ở Đồng Tháp, người dân rất tự hào với cây Lúa Ma (hay còn gọi là Lúa Trời), đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Hạt gạo nhỏ, dẻo, có vị ngọt, béo, ngon. Sở dĩ dân gian gọi là “Lúa Ma” vì hạt lúa có đuôi dài, chín sẽ tự rụng khi có ánh nắng mặt trời. Lúa Ma chín vào mùa nước nổi nên muốn thu hoạch phải dùng thuyền và chỉ rung cây để đập cho hạt rơi vào thuyền. Đây là loại lúa vượt nước rất tốt, có thể vượt mực nước có độ sâu từ 3-5 mét. Khi nước lũ dâng cao tới đâu Lúa Ma bò ngoi lên khỏi mặt nước tới đó...
Trước năm 1987, là quốc gia nông nghiệp nhưng Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu gạo. Cho đến năm 1989, lần đầu tiên xuất khẩu gạo, đánh dấu bước chuyển quan trọng như một kỳ tích của cây lúa Việt Nam. An ninh lương thực trong nước được bảo đảm, lượng gạo xuất khẩu tăng theo từng năm. Năm nay, tính tới ngày 15/11, cả nước xuất khẩu 7,37 triệu tấn gạo, mang về 4,15 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu gạo đã vượt năm 2022 (7,1 triệu tấn, trị giá đạt 3,45 tỷ USD).
Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, năm 2023, cả nước có thể xuất khẩu được 8 triệu tấn gạo, cao hơn gần 1 triệu tấn so với kỷ lục năm 2022. Không những thế, giá xuất khẩu một số chủng loại gạo của Việt Nam hiện đã thiết lập mốc cao nhất trong 11 năm.
Nhiều dự báo cho thấy, năm 2024 vẫn còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Người xưa gọi hạt gạo là “ngọc thực”, mới thấy gạo quý thế nào. Những năm qua, nhiều giống lúa mới xuất hiện, ngắn ngày hơn, năng suất cao hơn và cũng thơm ngon hơn. Tới nay, không ai còn nghi ngờ vị trí cường quốc xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Tuy nhiên, để thương hiệu gạo Việt lan tỏa rộng hơn thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Không chỉ ở khâu sản xuất, chế biến mà còn ở khâu thu mua, xuất khẩu. Gạo sản xuất ra nhiều nhưng hạn chế đầu ra thì sẽ lại rơi vào cảnh “được mùa rớt giá”, nhiều nông dân bỏ ruộng vừa ly nông lại vừa ly hương. Để có hạt gạo, người nông dân phải một nắng hai sương. Ca dao xưa nói rằng: “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
Vui vì được mùa nhưng bị tư thương ép giá thì niềm vui không trọn vẹn.
Giảm bớt khâu trung gian trong kinh doanh lúa gạo là điều cần phải làm, để thành quả lao động của người nông dân không bị lấy mất. Muốn thế, vai trò hợp tác xã, vai trò doanh nghiệp lúa gạo phải được đẩy mạnh. Hợp tác và chia sẻ lợi nhuận một cách hợp lý để “tất cả cùng thắng” mới khuyến khích được nhà nông sản xuất, để mùa vàng nối dài thêm mãi.
Từ đó thương hiệu gạo Việt trên phạm vi toàn cầu mới thực sự bền vững.