Giao thông

Hà Nội vẫn chậm xanh hóa phương tiện giao thông

H.Hương 04/12/2023 07:18

Tỷ lệ sử dụng phương tiện năng lượng xanh tại Hà Nội đạt con số khoảng 13,6% song vẫn còn khiêm tốn so với những mục tiêu, kỳ vọng đặt ra.

Vượt qua 3 rào cản

Đã có trải nghiệm đối với xe buýt thường và xe buýt điện, chị Trương Thu Hằng (nhà ở Văn Khê, Hà Đông , Hà Nội) thẳng thắn chia sẻ: xe buýt điện đi rất êm, người dân đi xe buýt điện có cảm giác thoải mái, trong khi đi xe buýt thường mỗi lần bước lên xe khách hàng luôn cảm thấy căng thẳng. “Nếu như xe buýt điện nhiều hơn chắc chắn tôi sẽ lựa chọn xe buýt điện làm phương tiện đi lại hàng ngày” - chị Thu Hằng chia sẻ.

Còn anh Lê Thái An (Long Biên, Hà Nội) cho biết, trước cửa nhà anh là điểm dừng đỗ xe buýt nên anh lựa chọn phương tiện đi làm là xe buýt. “Trước đấy tôi đi tuyến xe 34 để di chuyển đến nơi làm việc ở Cầu Giấy, nhưng sau đó tôi chuyển sang tuyến E07. Đi xe buýt điện cảm nhận sạch sẽ và lịch sự hơn rất nhiều”- anh Thái An nói.

Nhiều người đi làm công sở cũng thừa nhận rằng việc di chuyển, điều khiển phương tiện cá nhân trên đường vào giờ cao điểm rất căng thẳng nên chỉ cần thời gian di chuyển ngang nhau, thì dù có phải nối tuyến, người dân vẫn sẵn sàng sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Tại Hà Nội phương tiện năng lượng xanh ngày càng tăng. Theo thống kê Hà Nội đã vận hành 10 tuyến xe buýt CNG, 9 tuyến xe buýt điện đầu tiên trên cả nước. Đến nay, tỷ lệ sử dụng phương tiện năng lượng xanh của Hà Nội là khoảng 13,6%. Thống kê cho thấy, với 9 tuyến vận hành xe buýt điện, sản lượng đạt được năm 2023 khoảng 19,6 triệu lượt hành khách, tăng 16,9% so với kế hoạch năm 2023 và tăng 136% so với cùng kỳ.

Có thể thấy những năm gần đây việc thúc đẩy, chuyển đổi sang xe buýt điện ở Hà Nội đã có những bước tiến mới khi tỷ lệ sử dụng buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) được các doanh nghiệp vận tải hành khách trong cùng mạng lưới quan tâm, đầu tư thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, đưa thêm phương tiện vào vận hành. Nhưng thực tế việc chuyển đổi đang gặp rất nhiều thách thức về khung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp buýt, trợ giá, trạm sạc cho xe điện…

Về vấn đề này, ông Phạm Đình Tiến - Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội (HPTC), chỉ ra 3 rào cản: Theo tính toán, chi phí đầu tư phương tiện xanh cao gấp 2,4 lần so với xe buýt truyền thống sử dụng diesel. Chi phí này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực của doanh nghiệp, chưa kể đi kèm các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến trạm sạc điện, hệ thống trạm biến áp, nguồn cấp điện, hệ thống điều khiển.

Thách thức thứ hai là việc chuyển đổi đòi hỏi triển khai đồng bộ quy hoạch điện từ trạm sạc, trạm cấp nhiên liệu, chiến lược xây dựng hạ tầng sạc điện cung cấp cho phương tiện xanh. Thứ ba là hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa có cơ chế hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư để xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện, phục vụ quá trình chuyển đổi xe buýt xanh.

Cần có quy hoạch hạ tầng, nguồn điện cấp cho trạm sạc

Giữa tháng 11 vừa qua, UBND TP Hà Nội phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật cho xe buýt điện hạng lớn. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (HPTC) cũng đã đề xuất triển khai xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho xe buýt điện trung bình và hạng nhỏ. Đối với hỗ trợ lãi suất, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang hoàn tất các thủ tục để trình UBND thành phố xem xét.

Về lộ trình chuyển đổi, thành phố đã phân ra các giai đoạn, lộ trình phù hợp với nguồn lực để bảo đảm tính khả thi cao nhất là phục vụ hành khách, ổn định hoạt động của doanh nghiệp. Khi xây dựng kế hoạch, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tính toán, làm việc với các sở, ban, ngành để đưa ra các kịch bản với các mức khác nhau.

Trong đó, kịch bản cao là 100% chuyển sang buýt điện. Kịch bản thấp hơn có 70% buýt điện và 30% các phương tiện sử dụng các nguồn năng lượng sạch như CNG, LNG. Kịch bản thấp là 50% buýt điện và 50% sử dụng nhiên liệu CNG, LNG. Tương ứng mỗi kịch bản có những nguồn lực khác nhau.

Riêng về việc xây dựng trạm sạc để xanh hoá xe buýt, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của ngành điện.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, phân tích, depot (nhà ga) của xe buýt điện đều cần hệ thống sạc rất lớn đủ cho đoàn xe hoạt động 2 ca/ngày; trạm biến áp sử dụng cũng phải là trạm biến áp trung áp. Do đó, thành phố cần phải đưa vào quy hoạch của ngành điện về hạ tầng điện dành cho phương tiện xanh để đủ đáp ứng nhu cầu cho mạng lưới xe buýt xanh và cả các phương tiện khác.

Theo ông Hải, các cơ quan liên quan cần làm việc với ngành năng lượng để xem xét khả năng cung ứng điện cho các depot ở khu vực nội thành ra sao, quy hoạch, lộ trình triển khai của ngành điện trên địa bàn Hà Nội thời gian tới thế nào. Chừng nào chưa làm rõ với ngành điện, chúng ta sẽ chưa trả lời được phát triển phương tiện điện đến mức nào, tỷ lệ phát triển đến đâu. Việc chuyển đổi phương tiện cần sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị liên quan từ ngành điện, tài chính, công nghệ kèm theo,... Phải đổi đồng bộ mới vận hành được hiệu quả tối đa.

H.Hương