Có lộ trình mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
Để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu hết về tính nhân văn của BHXH.
PV: Thưa bà, hiện Luật BHXH sửa đổi đang được cho ý kiến. Có ĐBQH đã đề xuất đưa tài xế xe công nghệ hoặc nhóm lao động trên nền tảng công nghệ thuộc nhóm đối tượng bổ sung tham gia BHXH bắt buộc. Quan điểm của bà như thế nào về đề xuất này?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH có 2 loại. Một là, bảo hiểm bắt buộc, một loại là bảo hiểm tự nguyện. Bảo hiểm bắt buộc là bắt buộc phải tham gia, và hiện có đại biểu muốn mở rộng đối tượng là tài xế xe công nghệ hoặc nhóm lao động trên nền tảng công nghệ tham gia BHXH bắt buộc.
Về nguyên lý, mạng lưới BHXH càng mở rộng, càng bao phủ thì càng tốt. Nếu mạng lưới BHXH càng rộng, có nghĩa số tiền tham gia bảo hiểm ở mức cao thì quyền lợi của người lao động sẽ được đảm bảo hơn. Thế nhưng, chúng ta đang ở trong giai đoạn dần từng bước mở rộng BHXH, việc phát triển BHXH hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Theo đó, số người rút BHXH một lần đang tăng và đối tượng mở rộng BHXH bắt buộc còn phải tính đến cả vấn đề nguồn lực.
Bởi lẽ, tham gia BHXH thì người lao động chỉ phải đóng một phần, người sử dụng lao động đóng một phần, và còn lại là Nhà nước hỗ trợ. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ là phần nhiều. Chúng ta đang trong giai đoạn đầu mở rộng đối tượng BHXH bắt buộc, tôi nghĩ phải theo lộ trình. Nếu ngay lập tức mở rộng rất nhiều đối tượng sẽ ôm đồm quá. Cần tính kỹ đến vấn đề về nguồn lực. Tránh tình trạng mở rộng nhưng không thực hiện được.
Theo bà làm sao để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện?
- Cần quan tâm tới chính sách thu hút người dân tham gia BHXH. Trước tiên, phải tăng cường công tác tuyên truyền để cho người dân hiểu được tính nhân văn của BHXH. Ví dụ không ai tham gia bảo hiểm mà mong muốn mình được hưởng chế độ như: Tai nạn lao động, ốm đau, hay tử tuất. Tuy nhiên, nếu không may gặp phải trường hợp đó thì bất kể tham gia được bao nhiêu ngày, số tiền đóng bao nhiêu thì vẫn được hưởng đầy đủ chế độ. Tiền đó chính là người nọ san sẻ cho người kia. Cho nên việc tham gia bảo hiểm và mạng lưới bảo hiểm càng rộng thì quỹ càng lớn, và việc san sẻ cho nhau dễ dàng hơn. Việc tham gia BHXH không đảm bảo an sinh cho bản thân và xã hội, thể hiện trách nhiệm cộng đồng của mỗi người dân. Đó là ý nghĩa nhân văn của BHXH và chúng ta cần phải tuyên truyền cho mọi người hiểu.
Để bảo hiểm tự nguyện khuyến khích người dân tham gia đông thì chính sách về bảo hiểm cũng phải đủ hấp dẫn. Vì vậy, lần này song song với việc sửa đổi Luật BHXH, cần tính đến các chế tài chặt chẽ hơn để ngăn ngừa việc rút BHXH một lần diễn ra ồ ạt.
Việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm đang nhận được nhiều sự quan tâm, ý kiến của bà về việc này?
- Việc này phù hợp với một số đối tượng tham gia BHXH muộn. Đến 45 tuổi tham gia vẫn đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, có người đóng bảo hiểm bị ngắt quãng thì giờ lại tiếp tục đóng tiếp.
Như thế chúng ta kết nạp thêm được một bộ phận người dân tham gia, mạng lưới BHXH được mở rộng hơn. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, nếu giảm thời gian đóng BHXH thì phải đi kèm với các giải pháp khác để tăng sức hấp dẫn của BHXH. Như vậy mới ngăn chặn được trục lợi chính sách.
Trân trọng cảm ơn bà!