Gia tăng nợ bảo hiểm xã hội
Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày càng trầm trọng hơn trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn. Đáng chú ý, tại các doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài, việc xử lý vấn đề nợ lương, BHXH gặp rất nhiều khó khăn.
Người lao động thiệt đơn thiệt kép
Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), đến hết tháng 10/2023, tổng số tiền doanh nghiệp (DN) chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trong cả nước khoảng 14.650 tỷ đồng; trong đó, có khoảng 4.164 tỷ đồng không có khả năng thu hồi do DN giải thể, phá sản hoặc chủ DN trốn ra nước ngoài.
Theo Bộ LĐTB&XH, tình trạng nợ BHXH ngày càng trầm trọng hơn trong bối cảnh DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, chế tài xử phạt theo quy định hiện hành chưa đủ sức răn đe. Trong khi hàng tháng, người sử dụng lao động đều khấu trừ tiền lương của người lao động các khoản bảo hiểm, nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ đóng khoản này cho cơ quan bảo hiểm. Hệ lụy là người lao động phải chịu thiệt đơn thiệt kép, mất đi rất nhiều quyền lợi chính đáng khi xảy ra các rủi ro như tai nạn lao động, ốm đau, thôi việc, nghỉ việc…
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, hiện vấn đề căng thẳng nhất với người lao động chính là tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đang có chiều hướng tăng. Cùng với đó tình trạng lao động bị nợ đóng BHXH đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhóm này. Thời gian qua, công đoàn đã tham gia kiến nghị giải quyết quyền lợi cho hơn 200.000 lao động bị nợ BHXH gần như không có khả năng thu hồi. Đây là những trường hợp mà chủ DN phá sản, bỏ trốn.
Theo ông Hiểu, hơn 200.000 người bị nợ BHXH đồng nghĩa hơn 200.000 gia đình gặp khó khăn, không được hưởng lương hưu, chế độ thai sản khi sinh con, cũng như không được hưởng chế độ ốm đau, tai nạn lao động khi làm việc.
Tăng chế tài xử lý
Để ngăn ngừa nợ BHXH, trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất nhiều biện pháp chế tài để tăng tính răn đe hành vi vi phạm, như thêm chức năng khởi kiện cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; ban hành quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội; cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự khi DN có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH...
Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết, tổng kết 7 năm thi hành Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cho thấy, đã xuất hiện những vấn đề hạn chế và cần điều chỉnh, đơn cử như các quy định về việc người sử dụng lao động phải định kỳ cung cấp thông tin cho người lao động trong việc tham gia đóng BHXH. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những quy định đó không còn phù hợp. Hiện nay, cơ quan BHXH đã thực hiện phổ cập thông tin thông qua việc từng người lao động có thể truy cập ứng dụng VssID – BHXH số để theo dõi quá trình tham gia đóng – hưởng BHXH.
Theo ông Nam, một trong những điểm mới liên quan đến vấn đề này trong Dự thảo Luật là đưa ra khái niệm chậm đóng, trốn đóng BHXH rất rõ ràng, để các DN thuận lợi trong đối chiếu thực hiện. Theo đó, chậm đóng là khi tuyển dụng lao động đã có quy định về thời hạn báo tăng phát sinh lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm, hiện là 30 ngày. Dự luật cho phép lên 90 ngày, tức có độ trễ về thời gian, tức là thêm 30 ngày nữa mà DN vẫn không thực hiện thì đồng nghĩa với việc DN chậm đóng. Bên cạnh đó, với các đối tượng đã báo tăng nhưng DN vẫn không đóng đúng hạn thì cũng coi là chậm đóng.
“Như vậy, có hai nhóm đối tượng, một là không chủ động báo tăng lao động, hai là báo rồi nhưng đến hạn không đóng, tức biết rõ trách nhiệm nhưng vẫn không đóng sẽ là chậm đóng” - ông Nam lý giải.
Về các chế tài xử lý, hiện đang áp dụng lãi suất chậm đóng theo tháng, với mức lãi suất bình quân đầu tư quỹ của năm liền kề trước đó để áp dụng cho các DN nếu chậm đóng. Tuy nhiên tới đây sẽ áp dụng lãi theo ngày, như vậy, DN đóng càng sớm sẽ giảm thiểu lãi phát sinh theo ngày. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh với chủ sử dụng lao động tùy theo từng mức độ.
Đề xuất của Ban soạn thảo cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn, đặc biệt là việc xử lý vấn đề nợ lương, bảo hiểm ở các DN có chủ là người nước ngoài, bởi lúc khó khăn rất khó thu hồi nợ.
Về vấn đề này, ông Nam cũng thừa nhận, lâu nay việc xử lý vấn đề nợ đọng ở những DN này không dễ bởi khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra thì từ đất đai, nhà xưởng đi thuê hết, nhân công thì bị nợ lương, tài khoản thì phong tỏa, chủ về nước với lí do là không bỏ trốn song ở khía cạnh nào đó sẽ không tìm được họ, dẫn đến DN không làm thủ tục phá sản được…