Kinh tế

Đẩy mạnh khai thác thị trường tiềm năng

Hà An 04/12/2023 08:45

Canada là thị trường mà hàng hoá Việt Nam có sự tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong khối các thị trường kí kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Canada hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan và Hongkong (Trung Quốc).

anhbaitren(1).jpg
Cần đẩy mạnh khai thác đưa hàng hóa sang các thị trường giàu tiềm năng. Ảnh: Hà An.

Thị trường tiềm năng

Việt Nam đang là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada trong nhóm 40 quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký với Canada Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 và hiện tái khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Canada trong năm nay.

Theo Tổng cục Hải quan, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt trên 65% từ 3,9 tỷ USD năm 2019 lên 6,3 tỷ USD năm 2022. Các mặt hàng đạt tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng sang Canada gồm: sắt thép tăng 79%; máy móc, thiết bị điện tăng 36%; hàng may mặc và phụ kiện tăng 19%; giày dép tăng 11%; nội thất, đồ gỗ tăng 19%… Hiện nay, Việt Nam đã trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada và Canada cũng là nước có thặng dư thương mại rất lớn, lên đến trên 9 tỷ USD.

Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, Canada hiện là 1 trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Theo số liệu nước sở tại, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng 26,4% về giá trị kim ngạch trong năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. Sau khi có CPTPP, xuất khẩu của nước ta sang Canada đã tăng gấp đôi, từ mức 4 tỷ USD năm 2018 lên 9,9 tỷ năm 2022. Sau 5 năm CPTPP được thực thi, đây là thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong các nước CPTPP.

Còn theo nhận định từ giới chuyên gia kinh tế thì cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang thị trường Canada là rất lớn. Tuy nhiên, điểm hạn chế DN Việt Nam chưa có nhiều thông tin về thị trường cũng như các chính sách ưu đãi xuất khẩu và các biện pháp phòng vệ thương mại của Canada. Do đó, thời gian tới các cơ quan xúc tiến thương mại tiếp tục cập nhật thông tin và nghiên cứu về thị trường Canada, các chính sách, cơ hội đầu tư kinh doanh và thông tin kinh tế. Từ đó thông tin kịp thời cho các DN Việt Nam.

Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh

Theo Bộ Công thương, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Canada, DN có thể sản xuất gia công, sản xuất theo nhãn hàng của các chuỗi siêu thị. Và các nhà nhập khẩu phân phối lớn của thế giới là phương cách để các DN tiếp cận thị trường một cách bền vững, cũng như có đơn hàng ổn định.

Thực tế nhiều mặt hàng Việt Nam đã có mặt ổn định ở các hệ thống siêu thị ở Canada nhờ chấp nhận sản xuất gia công theo nhãn hiệu của Canada. Ví dụ như các sản phẩm nước dừa, tôm chiên bột hay nước mắm... Các chuyên gia cũng khuyến nghị DN Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm mới, riêng biệt, có tính sáng tạo cao, lựa chọn phân khúc nhóm hàng quần áo, giày dép, túi xách… Do tính chất thị trường thay đổi nhanh, thị hiếu tiêu dùng còn nhiều tiềm năng và có biên độ lợi nhuận cao. Đồng thời, DN nên dựa vào thương mại điện tử làm bàn đạp xuất khẩu sang thị trường này và có biện pháp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại đang gia tăng.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến cáo, DN trong nước cần cẩn trọng, tránh bẫy lừa đảo khi giao dịch với các đối tác tại Canada. Cụ thể, theo Thương vụ, thời gian gần đây, số lượng các vụ lừa đảo DN Việt Nam có liên quan đến Canada đang gia tăng nhanh chóng. Phương thức lừa đảo phổ biến là một số cá nhân tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các DN lớn, có uy tín cao, có danh tiếng của Canada, sau đó, dùng tên của các chủ DN này để đi lừa đảo các DN Việt Nam.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sang Canada cũng như tránh các bẫy lừa đảo, Thương vụ Việt Nam tại Canada lưu ý, các DN cần chủ động phối hợp với Thương vụ trong xác minh đối tác trước khi ký kết hợp đồng. Kế đến, các DN cần yêu cầu đối tác cung cấp các thủ tục, giấy tờ có công chứng tại nước sở tại làm cơ sở ký kết hợp đồng đảm bảo chắc chắn. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng sở tại tư vấn các DN uy tín hoặc giúp xác minh năng lực, uy tín của DN sở tại.

Hà An