TP HCM: Tìm thị trường cho sản phẩm OCOP
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện các chính sách, giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thành phố Hồ Chí Minh đang đề xuất các bộ, ngành tháo gỡ cơ chế chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình OCOP theo hướng hỗ trợ, đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Tìm thị trường trong nước
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT TP HCM, hiện nay thành phố có 99 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 và 4 sao. Trong đó, 36 sản phẩm đạt chuẩn 04 sao, 63 sản phẩm đạt chuẩn 03 sao và đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 01 sản phẩm đạt chuẩn 05 sao.
Nhằm kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP, thành phố đã tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại do thành phố tổ chức hoặc liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận.
Tại nhiều siêu thị và trung tâm thương mại ở TP HCM đều có một gian hàng riêng chuyên trưng bày, giới thiệu về sản phẩm OCOP của thành phố cũng như các địa phương để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận. Các sản phẩm OCOP được chọn bán tại các siêu thị chủ yếu là hàng nông sản, thủy hải sản… đạt chuẩn từ 3 - 5 sao. Thông qua đó, sản lượng tiêu thụ nông sản an toàn trên thị trường ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
Hiện tại, nhà sản xuất OCOP muốn mở rộng thị trường trên các sàn thương mại, thay vì chỉ bán tại chợ truyền thống thì gặp nhiều khó khăn bởi vướng rất nhiều rất nhiều điều kiện của đối tác. Vì vậy thành phố sẽ tăng cưởng, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, đồng thời phát triển sản phẩm làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện, xã nơi có sản phẩm OCOP.
Thời gian gần đây, các HTX, hộ kinh doanh, tổ hợp tác đã linh hoạt và mạnh dạn đầu tư cho bao bì, mẫu mã của sản phẩm OCOP để cạnh tranh với các sản sản phẩm OCOP tương tự nhưng có chất lượng như nhau. Bên cạnh việc tổ chức các hội chợ giới thiệu các sản phẩm nông sản, mặt hàng OCOP là cơ hội giúp các chủ thể kinh doanh, doanh nghiệp, hộ sản xuất tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường để phát triển.
Giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP
Hiện tại các nhà sản xuất OCOP cũng như các doanh nghiệp bán lẻ, để đưa các sản phẩm vào siêu thị, trung tâm thương mại đã khó, nhưng làm sao để người tiêu dùng tin tưởng mua sắm và sử dụng sản phẩm của địa phương lại càng khó hơn. Do đó. bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ tối đa của các ban ngành thì nhà cung cấp cần phải có chiến lược kinh doanh, marketing sản phẩm tốt để thúc đẩy sức mua hàng hóa của người tiêu dùng trong siêu thị cũng như các sàn thương mại điện tử trong tương lại.
Trong nhiều năm liền, để triển khai hiệu quả chương trình OCOP và cũng là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế địa phương có các sản phẩm OCOP. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển sản phẩm OCOP như: Hỗ trợ công nghệ, vay vốn tín dụng, liên kết phát triển, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm... từ đó góp phần nâng cao chất lượng, số lượng và cả thương hiệu của sản phẩm, tăng thu nhập hộ dân ở vùng sản xuất sản phẩm OCOP.
Đối với các chủ thể OCOP là các HTX, tổ hợp tác hiện nay vẫn đang nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm mặc dù khả năng tài chính còn hạn chế, khâu quay vòng vốn gặp nhiều khó khăn.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT TP HCM, hiện nay có nhiều sản phẩm là đặc sản Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn đã được công nhận OCOP. Vấn đề đặt ra hiện nay, làm sao để các sản phẩm OCOP có sao của thành phố tiếp cận và đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi.
Thời gian tới để tận dụng thế mạnh về nguồn lực phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương, là trung tâm kinh tế của cả nước, Sở Nông nghiệp và PTNT dự kiến đề xuất mở rộng Chương trình OCOP ra tất cả quận và thành phố Thủ Đức. Bên cạnh đó, lĩnh vực đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cũng đã được mở rộng, bên cạnh sản phẩm nông nghiệp chủ lực còn có sản phẩm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thât - trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Ngoài ra, để đạt các mục tiêu đề ra, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các diễn đàn, hội chợ triển lãm… Đặc biệt, tập trung xây dựng các trung tâm du lịch nông thôn gắn với các sản phẩm OCOP, hoạt động văn hóa; nâng cao năng lực hệ thống logistic về nông sản và OCOP nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm trong nước và xuất khẩu.