Xã hội

Lao động bỏ trốn và nỗi lo mất thị trường

Lê Bảo 05/12/2023 06:44

Những năm trước, các huyện phải dừng tuyển chọn lao động chủ yếu ở Bắc Trung Bộ thì đến nay, nhiều tỉnh, thành phía Bắc cũng có tỷ lệ lao động trốn ở lại cao. Điều đó không chỉ đánh mất cơ hội của những lao động khác mà về lâu dài sẽ mất thị trường.

anh-bai-tren(3).jpg
Lao động về nước đúng hạn tìm việc tại sàn giao dịch việc làm do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội tổ chức. Ảnh: Lan Hương.

Vì sao người lao động bỏ trốn?

Ông Đặng Huy Hồng - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, trong năm 2022 và 10 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ lao động hết hợp đồng không về nước của một số địa phương trọng điểm của khu vực miền Bắc (như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Lạng Sơn) cao hơn mức bình quân của cả nước và cao hơn so với cam kết với phía Hàn Quốc (28%). Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, tính tới thời điểm tháng 10/2023, có trên 36.000 lao động đi theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc EPS (bao gồm trên 10.000 lao động cư trú trái phép) đang làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc. Ngoài Hàn Quốc, từ năm 2020 đến năm 2023, dịch bệnh Covid-19 dẫn đến một số lượng lớn lao động hết hạn hợp đồng không thể về nước nên bỏ trốn để tiếp tục làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tiếp tục tạm dừng Chương trình EPS đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của 4 tỉnh do không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng nhưng chưa về nước, gồm: huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); TP Chí Linh (Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Đây là những nơi có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn từ 27% trở lên.

Theo phản ánh từ các địa phương, lý do khiến lao động bỏ trốn do hầu hết lao động đi xuất khẩu đều phải vay vốn, trong khi thời hạn làm việc chỉ có 3 năm. Với thu nhập gần 40 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt, trả nợ thì khoản tích lũy còn được vài trăm triệu đồng. Mục đích của lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp là có thể ở lại làm việc lâu hơn, có thu nhập cao hơn. Hơn nữa về nước tìm việc làm khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân khiến lao động bỏ trốn khi hết hạn hợp đồng.

Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở LĐTBXH, những năm qua, thành phố đã có gần 7.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản theo chương trình EPS và IM Japan về nước. Tuy nhiên theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Nguyễn Tây Nam, tìm việc làm ổn định sau khi về nước vẫn là khó khăn, rào cản rất lớn cho người lao động. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người lao động có ý định và chọn đi làm “chui” tại nước sở tại khi đã hết hạn hợp đồng.

Là địa phương hiện có 83 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và có thị xã Chí Linh nằm trong danh sách tạm ngừng tuyển dụng đi làm việc tại Hàn Quốc năm 2023, ông Bùi Quốc Trình - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hải Dương cho biết, rất khó để vận động các lao động cư trú bất hợp pháp về nước dù cán bộ địa phương đã đến tận nhà trò chuyện, phân tích với người thân của lao động.

Giải pháp nào?

Thực tế đánh giá về công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cũng cho rằng, mặc dù công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, song tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng, hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước trong một vài năm gần đây có dấu hiệu tăng trở lại.

Thực tế không người lao động nào muốn trốn ra ngoài để trở thành lao động “chui”. Bất đắc dĩ vì cuộc sống mưu sinh nên lo khi về quê nhà không tìm được việc làm nên đã lựa chọn con đường ở lại làm việc “chui”. “Hỗ trợ việc làm cho các trường hợp này không chỉ khai thác được nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn giúp cho người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản có thể yên tâm về nước đúng hạn, không trở thành lao động bất hợp pháp” - ông Nguyễn Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết.

Bên cạnh giải pháp tạo việc làm cho lao động khi về nước, để hạn chế lao động bỏ trốn, ông Đỗ Chí Dũng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ LĐTBXH) cho rằng, để thúc đẩy việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và giảm số lượng lao động không về nước đúng quy định, các đơn vị thuộc Bộ cũng như các Sở LĐTBXH địa phương phía Bắc cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.

Ông Dũng đề xuất các đơn vị nên tổ chức, xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, giúp lưu trữ thông tin dữ liệu của từng trường hợp lao động ngoài nước; xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến, nắm bắt thông tin của từng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận việc làm dễ dàng.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho rằng, để khắc phục triệt để tình trạng lao động ở nước ngoài bỏ trốn, giải pháp dứt điểm cho câu chuyện này là khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp sau khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài, để người lao động yên tâm trở về tham gia thị trường lao động trong nước.

Lê Bảo