“Đánh thức” các dự án nghìn tỷ
Sau thời gian dài bế tắc nguồn vốn đầu tư công trung hạn, TP HCM đang nỗ lực vận dụng được một phần Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố vào công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.
Đầu tháng 12/2023, UBND TP HCM có tờ trình gửi HĐND thành phố về ban hành danh mục dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Trong số 41 dự án được lựa chọn, có tổng mức đầu tư lớn nhất (7.000 tỷ đồng) là Dự án xây dựng mới sân vận động chính có bố trí đường chạy điền kinh ở TP Thủ Đức. Kế đến là các dự án nghìn tỷ khác, như Dự án xây dựng mới Nhà đua xe đạp lòng chảo tích hợp đường đua xe mô tô kết hợp sân bóng đá ngoài trời (4.000 tỷ đồng); Dự án xây dựng mới Nhà thi đấu thể dục thể thao tổng hợp (3.000 tỷ đồng); Dự án xây dựng mới sân thi đấu các bộ môn điền kinh (1.500 tỷ đồng). Hầu hết các dự án nghìn tỷ này thuộc lĩnh vực thể thao, xây dựng, văn hóa và giáo dục, nằm tập trung tại TP Thủ Đức và một số quận, huyện đang còn quỹ đất lớn, như các quận 7, 8, 12 và huyện Bình Chánh.
Đối với danh mục đề xuất, UBND TP HCM khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, thực hiện theo phương thức PPP. Đồng thời, trong quá trình triển khai, căn cứ vào tính cấp thiết của từng dự án, sự quan tâm của các nhà đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách, các sở quản lý chuyên ngành vẫn chủ động, linh hoạt để tham mưu chính quyền thành phố xem xét việc đầu tư theo phương thức đầu tư công hay hình thức khác phù hợp. Đồng thời, các nội dung sẽ được UBND TP HCM trình HĐND thành phố xem xét quyết định trong kỳ họp cuối năm, dự kiến diễn ra ngay trong tháng 12 này.
Việc sớm vạch ra kế hoạch đầu tư trung và dài hạn, chủ động mời gọi nhà đầu tư cho các “siêu” dự án được thực hiện từ Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đã có hiệu lực. HĐND TP HCM trao cơ chế để giúp “cởi trói” cho nhiều dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn.
Tại kỳ họp HĐND TP HCM quý III vừa qua cũng đã thông qua cơ chế cho các dự án đầu tư tối thiểu theo hình thức công - tư trong hạn mức thấp. Cụ thể, TP HCM đã quyết định bổ sung các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của các đơn vị trực thuộc ngành y tế thành phố vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố.
Ngay khi được thông qua, có 3 dự án bệnh viện đa khoa lớn đang xây dựng cơ sở hạ tầng đã được thông qua mua sắm trang thiết bị, bao gồm Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn; Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi và Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức.
Nghị quyết 98 cũng đã được nghiên cứu để tháo gỡ cho một số dự án BT ký hợp đồng trước ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực. Trong đó, Sở Giao thông vận tải TP HCM báo cáo đang lập đề xuất một số dự án BT thanh toán bằng tiền (trả chậm), BOT trên trục đường chính đô thị và đường trên cao, như: mở rộng quốc lộ 22; cầu đường Bình Tiên; quốc lộ 13… Đồng thời, thành phố cũng chủ động cân đối vốn để quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án hạ tầng quan trọng trên địa bàn với cơ chế mới.
Đáng chú ý, ngay sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, Thành ủy TP HCM cũng đã thành lập 13 tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố để giám sát 38 dự án trọng điểm. Đồng thời, HĐND cũng đã thành lập đoàn giám sát để tổ chức giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công, giám sát thực tế tại hiện trường nhiều dự án, làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư, các địa phương.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vào thời điểm nhiều dự án nghìn tỷ của TP HCM đang “ngủ quên” là một quyết sách rất kịp thời để góp phần hỗ trợ TP HCM sớm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan về đầu tư công. Với sự vào cuộc quyết liệt của TP HCM đã đem tới kỳ vọng những dự án hạ tầng đang ngưng trệ sẽ được tái khởi công, đồng thời những dự án mới cũng được đẩy nhanh tiến độ triển khai.