Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII
Ngày 4/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) kết nối với các điểm cầu của tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và đường truyền mở rộng đến cơ sở.
Dự hội nghị có: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. Hội nghị được kết nối tới 16.242 điểm cầu các ban, bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị ở Trung ương và các địa phương trên toàn quốc; có hơn 1.441.200 cán bộ, đảng viên tham dự nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết.
Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, những chủ trương lớn về các giai cấp và tầng lớp chúng ta đều bàn ở những thời điểm quan trọng của đất nước để cụ thể hoá, thể chế hoá những chủ trương của Đảng. Tính về mặt luật pháp thì các luật, văn bản dưới luật có liên quan đến đại đoàn kết toàn dân tộc có 186 luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đây là nỗ lực rất lớn. Đặc biệt Hiến pháp 2013 đã thể chế vấn đề này rất rõ, đầy đủ, sâu sắc, đáp ứng yêu cầu đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo Chủ tịch nước, trên cơ sở đánh giá đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định ban hành nghị quyết của hội nghị lần thứ tám về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc (gọi là Nghị quyết số 43).
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là đường lối chiến lược và xuyên suốt của Đảng, là nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi. Không có đại đoàn kết thì không thể có thắng lợi được.
“Nếu chúng ta đoàn kết trong Đảng thì chúng ta sẽ có thành công, nếu chúng ta có đoàn kết trong Đảng và đoàn kết trong dân thì chúng ta có thành công lớn hơn và nếu chúng ta có đoàn kết trong Đảng, trong dân và đoàn kết quốc tế thì chúng ta sẽ đạt được tới đại đoàn kết, đại thành công lớn hơn” - Chủ tịch nước nói.
Để phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch nước nêu rõ: Đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao đời sống của nhân dân. Thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nâng cao nhận thức vai trò của chính sách xã hội
Truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tình hình thế giới thời gian tới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn về quản lý phát triển xã hội, như vấn đề nhà ở, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, quá tải hạ tầng, tình trạng thất nghiệp, phân hoá giàu nghèo, già hóa dân số, rủi ro về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Theo Thủ tướng, tốc độ già hóa dân số tăng nhanh đặt ra những thách thức lớn trong bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi và nguồn cung lao động. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Phân tích về một số mô hình chính sách xã hội điển hình trên thế giới hiện nay, Thủ tướng cho rằng, chúng ta lựa chọn ưu điểm của các mô hình nhưng phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước. Mình phát triển thì họ cũng phát triển, họ có điều kiện tốt hơn do xuất phát điểm cao hơn chúng ta. Do đó họ cố gắng 1, thì chúng ta phải cố gắng 10.
Về giải pháp, theo Thủ tướng, cần nâng cao nhận thức vai trò của chính sách xã hội. Tăng cường truyền thông, đoàn kết trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội theo hướng bền vững. Đây là nội dung mới để khắc phục những hạn chế trong quá trình tổng kết Nghị quyết 15 đã chỉ ra. Nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về chính sách xã hội, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách xã hội đảm bảo đồng bộ thống nhất, khả thi, phù hợp và tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.
“Chúng ta xây dựng chính sách xã hội phải phù hợp với đất nước, hoàn cảnh của chúng ta thì mới có tính khả thi, có nguồn lực để đảm bảo nhưng phải tiệm cận đến văn minh của thế giới. Nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý nhà nước về chính sách xã hội từ trung ương đến cơ sở. Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm” - Thủ tướng nói và nêu rõ: Yêu cầu các bộ, ngành địa phương thực hiện nghiêm quy định lấy kết quả công việc làm hài lòng, tín nhiệm của nhân dân, là tiêu chí để đánh giá hiệu quả cán bộ, phải có sản phẩm. Chú trọng hiện đại hoá công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh chuyển đổi số, số hoá quy trình quản lý, tổ chức thực hiện chính sách.