Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Gỡ rào cản để bứt phá
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là “chìa khóa” để “bệ đỡ” nền kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, với nhiều địa phương, phát triển nông nghiệp công nghệ cao vẫn đang gặp khá nhiều rào cản.
Nhiều địa phương “nhập cuộc”
Nắm bắt xu hướng chung của thời kỳ hội nhập, thời gian qua nhiều địa phương đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mục đích nâng cao năng suất trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh đó, đời sống người nông dân cũng được nâng lên.
Đơn cử, tại Hải Dương, sau hơn 2 năm triển khai Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030", tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ người dân xây dựng 2,15ha nhà màng, thuê trên 140ha đất để sản xuất quy mô lớn; hỗ trợ mở rộng 212ha cây vụ đông, cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho 476,8ha rau, trái cây, 36 cơ sở chăn nuôi VietGAP, an toàn dịch bệnh, 86,5 ha nuôi thủy sản...
Ông Trần Mạnh Cường, hộ nông dân ở thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã và đang thực hiện mô hình trồng rau trong nhà màng, nhà lưới cho biết, từ khi sản xuất theo mô hình này, ông hoàn toàn yên tâm không phải lo thiên tai, địch họa bởi mưa nắng thất thường đều không ảnh hưởng đến rau khi đã được bảo vệ trong nhà màng, nhà lưới. Và điều quan trọng là ứng dụng mô hình này tiết kiệm được sức lao động, người nông dân không phải vất vả đi đến từng luống rau để tưới nước mà chỉ cần nhất nút là hệ thống tưới sẽ tự động vận hành. Vừa tiết kiệm chi phí, nhân công lại vừa đảm bảo kinh tế.
Theo Báo cáo tóm tắt quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hải Dương sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị.
Tầm nhìn 2050, Hải Dương trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của Vùng đồng bằng sông Hồng, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, dựa vào chiến lược đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ, và xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng của địa phương.
Với ngành chăn nuôi, tại Hải Dương, nhiều mô hình, người dân đã sử dụng phụ phẩm chăn nuôi để nuôi giun quế, dùng chế phẩm sinh học xử lý phân và chất thải trong chăn nuôi thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp tăng chất lượng sản phẩm vật nuôi, giảm ô nhiễm môi trường.
Tương tự, tại tỉnh Bắc Ninh, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao cũng đã xuất hiện ở nhiều địa phương. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao tổng diện tích 160ha; trong đó, có 29 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích trên 154ha, trong đó có nhiều cơ sở cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm.
Mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng công nghệ cao của nhiều nông hộ ở thôn Nhất Trai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đã mang lại hiệu quả kinh tế và là niềm mơ ước của nhiều nông dân với lợi nhuận lên đến 1,2 tỷ đồng/năm.
Nhìn vào bức tranh kinh tế nông nghiệp, có thể thấy, các địa phương đã và đang chủ động trong việc đầu tư công nghệ vào sản xuất. Coi đây là “chìa khóa” để phát triển kinh tế nông nghiệp của các địa phương. Thực tế cho thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu để có thể nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân.
Gỡ điểm nghẽn
Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng có không ít khó khăn, thách thức đang đặt ra như nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực, đất đai, thị trường tiêu thụ, đặc biệt là cơ chế, chính sách cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển…
Bên cạnh đó, thời gian qua, phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu mới thực hiện ở một vài khâu như tưới tiết kiệm theo công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới,... Còn khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn áp dụng công nghệ thủ công nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp. Nhiều địa phương, nông nghiệp công nghệ cao chưa phát triển xứng với tiềm năng.
Đơn cử tại Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện vẫn chưa thực sự bài bản. TS. Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội chỉ rõ: Tính đến thời điểm này, các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh của TP Hà Nội đều chưa như kỳ vọng đề ra. “Tiềm năng về khoa học công nghệ của Hà Nội rất lớn, tuy nhiên Hà Nội lại áp dụng công nghệ trong nông nghiệp thông minh ít hơn một số địa phương. Tính đến nay, các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh của Hà Nội đều chưa đạt được” - ông Rao nhận định.
Tỉnh Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp tập trung, 62 làng nghề và 22 cụm công nghiệp với hơn 17.000 DN, với hơn 300.000 công nhân, người lao động. Vì vậy, nhu cầu của người tiêu dùng về rau, quả an toàn là rất lớn. Song thực tế cho thấy, mức độ sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tỉnh chưa thu hút được nhiều DN lớn đầu tư, hiện nay chủ yếu vẫn là các DN quy mô nhỏ...
Nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giới chuyên gia cho rằng, rất cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao về nguồn vốn, tập trung đất đai theo nguyên tắc thị trường, đào tạo nhân lực, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính… Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục dành nguồn lực, tạo điều kiện cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.